Xây dựng số 9 (VC9): Kinh doanh lao dốc, Vinaconex thoái hết vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Xây dựng số 9 (VC9) lỗ lớn, nhưng Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vẫn thoái được toàn bộ gần 37% vốn ở mức giá cao.
Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhà thầu trong hai năm trở lại đây khi hoạt động xây dựng trầm lắng. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhà thầu trong hai năm trở lại đây khi hoạt động xây dựng trầm lắng.

Thua lỗ gần bằng vốn điều lệ

VC9 được thành lập năm 1977 trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Xây dựng số 9 trực thuộc Công ty Xây dựng Xuân Hòa và Đội ván khuôn trượt công trường K3 thuộc Công ty Xây dựng số 5. Doanh nghiệp có trụ sở tại Ninh Bình, hoạt động chính là thi công các công trình dân dụng và công nghiệp theo công nghệ trượt.

Năm 1995, VC9 trực thuộc Vinaconex theo quyết định của Bộ Xây dựng. Năm 1999, Công ty chuyển trụ sở từ Ninh Bình lên Hà Nội.

Giai đoạn 2008 - 2017, VC9 đạt lợi nhuận sau thuế phổ biến trong khoảng 10 - 20 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2010, doanh nghiệp lãi 26 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của VC9 bắt đầu sa sút từ năm 2019 khi doanh thu giảm 22%, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 910 triệu đồng, giảm 89% so với năm 2018 (8,1 tỷ đồng).

Năm 2020, VC9 lỗ gần 21 tỷ đồng, trong 9 tháng đầu năm 2021 lỗ thêm 83,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 103 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Năm 2020, VC9 đạt doanh thu 749 tỷ đồng, giảm 30%, lợi nhuận sau thuế âm gần 21 tỷ đồng, nợ phải trả tính đến thời điểm cuối năm là 1.105 tỷ đồng, chiếm 87,8% tổng tài sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, VC9 lỗ lớn hơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 83,3 tỷ đồng (riêng quý III lỗ 76 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 15,8 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2021, VC9 có lỗ lũy kế 103 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ (120 tỷ đồng).

Do hoạt động thua lỗ nên cổ phiếu VC9 bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 30/3/2021 đến nay.

Đáng lưu ý, tại báo cáo soát xét bán niên 2021, Hãng Kiểm toán ASSC nhận xét, VC9 chưa ghi nhận đầy đủ giá vốn công trình xây lắp phù hợp với doanh thu các năm trước và kỳ này tương ứng là 111,07 tỷ đồng và 0,54 tỷ đồng theo các quy định kế toán hiện hành.

Nếu Công ty ghi nhận đầy đủ giá vốn của các công trình xây lắp trên theo quy định thì trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh kỳ này, chỉ tiêu giá vốn bán hàng sẽ tăng lên và chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước thuế sẽ giảm cùng số tiền 0,54 tỷ đồng.

Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán tại ngày 1/1/2021 và 30/6/2021, chỉ tiêu “hàng tồn kho” và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ giảm đi lần lượt là 111,07 tỷ đồng và 111,61 tỷ đồng.

Tại ngày 1/1/2021 và 30/6/2021, VC9 chưa thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với một số khoản nợ quá hạn thanh toán khó có khả năng thu hồi theo quy định tại chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam với số tiền ước tính lần lượt là 6,16 tỷ đồng và 8,01 tỷ đồng.

Nếu Công ty trích lập thì chỉ tiêu “chi phí quản lý doanh nghiệp” sẽ tăng lên và chỉ tiêu “tổng lợi nhuận kế toán trước thuế” sẽ giảm cùng số tiền 1,85 tỷ đồng. Đồng thời, trên bản cân đối kế toán tại ngày 1/1/2021 và 30/6/2021, chỉ tiêu “dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi” và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ tăng và giảm đi lần lượt 6,16 tỷ đồng và 8,01 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh bán niên 2021 của VC9 sau kiểm toán chuyển từ lãi sang lỗ. Cụ thể, báo cáo Công ty tự lập ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 291,7 triệu đồng, nhưng sau kiểm toán là lỗ 6,9 tỷ đồng, do giá vốn bán hàng được đơn vị kiểm toán điều chỉnh tăng lên hơn 7,2 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của VC9 lao dốc, công ty mẹ là Vinconex đã quyết định thoái hết vốn. Ngày 10/11, Vinaconex đăng ký bán 4,32 triệu cổ phiếu VC9, tương đương 36,94% vốn điều lệ, từ ngày 11/11 - 10/12/2021. Ngày 23/11, Vinaconex thông báo đã hoàn tất thoái vốn tại VC9. Giao dịch được thực hiện ngày 15/11, với giá 11.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau khi Vinaconex thoái vốn, VC9 xuất hiện hai cổ đông lớn. Ông Nguyễn Minh Quang mua 2,32 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 19,84%) và ông Trần Mạnh Hiếu mua 2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17,1%). Số cổ phiếu mà hai nhà đầu tư cá nhân này mua vào vừa bằng số cổ phiếu mà Vinaconex bán ra.

Cổ phiếu VC9 tăng giá mạnh

Trong phiên Vinaconex thoái vốn, cổ phiếu VC9 giao dịch theo phương thức khớp lệnh có giá thấp nhất là 12.500 đồng/cổ phiếu, đóng cửa tại 13.300 đồng/cổ phiếu, tăng trần phiên thứ ba liên tiếp, với tổng mức tăng 33%.

Sau đó, cổ phiếu này đạt đỉnh lịch sử vào ngày 19/11 khi leo lên 15.400 đồng/cổ phiếu, tăng 90% so với 1 tháng trước đó và hơn gấp 3 so với 1 năm trước đó (dưới 5.000 đồng/cổ phiếu).

VC9 có gì hấp dẫn nhà đầu tư mà giá và thanh khoản cổ phiếu tăng vọt?

Năm 2021, VC9 đặt kế hoạch đạt doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,49 tỷ đồng, nhưng thực tế cho thấy, 9 tháng đầu năm lỗ 83,3 tỷ đồng.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhà thầu trong hai năm trở lại đây khi hoạt động xây dựng trầm lắng. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo VC9 cho biết, năm nay tiếp tục là một năm khó khăn.

Giải pháp của Công ty là tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động, trong đó tập trung vào việc thu hồi công nợ, cơ cấu tài sản và máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm lãi vay ngân hàng, đồng thời tìm kiếm đấu thầu các dự án mới…

Số nợ phải thu còn rất lớn, để đẩy nhanh việc thu hồi công nợ, VC9 sẽ hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình.

Tính đến ngày 30/9/2021, công nợ phải thu khách hàng là 275,9 tỷ đồng, bao gồm 258,2 tỷ đồng thi công giai đoạn 1 dự án Khu đô thị Bắc An Khánh, 4,4 tỷ đồng từ dự án cầu Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của VC9 chỉ còn chưa đầy 300 triệu đồng (cuối năm 2020 là 3,57 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng các khoản phải thu ngắn hạn của VC9 là 648 tỷ đồng (dự phòng phải thu ngắn hạn 13,4 tỷ đồng), tồn kho 282 tỷ đồng.

Ngược lại, VC9 có tổng cộng 944,6 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 93% tổng tài sản, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 388,4 tỷ đồng (chi phí lãi vay 9 tháng đầu năm 2021 là gần 15 tỷ đồng), phải trả người bán ngắn hạn 249,7 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn 137,2 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn 84 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác 75,7 tỷ đồng…

Do thua lỗ lớn nên vốn chủ sở hữu của VC9 giảm còn 70,3 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cuối năm 2020 và thấp hơn vốn điều lệ (120 tỷ đồng, tương ứng với 12 triệu cổ phiếu, trong đó có gần 3,2 triệu cổ phiếu quỹ).

Ngày 6/12 tới, VC9 sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên bất thường về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh. Với sự xuất hiện của 2 cổ đông lớn, cơ cấu lãnh đạo tại VC9 dự kiến có sự thay đổi, kỳ vọng sớm chèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu tư công đang được đẩy mạnh, có thể giúp các nhà thầu ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn trong thời gian tới.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục