Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Liên đoàn luật sư Việt Nam và đại diện một số ngân hàng thương mại.
Ngày 16/6/2023, Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm 17 nội dung hành động cụ thể.
FATF là Tổ chức liên chính phủ ban hành ra các chuẩn mực nhằm chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và những hiểm họa có liên quan khác đe dọa sự toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu. Hiện nay, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang cam kết thực hiện theo các khuyến nghị của FATF, trong đó có Việt Nam.
Thực hiện cam kết nêu trên, ngày 23/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia tại Quyết định số 194/QĐ-TTg, trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân (và thỏa thuận pháp lý nếu phù hợp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”, thời hạn hoàn thành là tháng 5/2025.
Chia sẻ tại tọa đàm lấy ý kiến đối với việc bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục đích của việc xây dựng quy định về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi nhằm tìm ra cá nhân cuối cùng thực sự kiểm soát, chi phối hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện quy định này sẽ góp phần nâng xếp hạng về phòng, chống rửa tiền của Việt Nam và làm minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm rửa tiền.
Các quy định pháp lý và cơ chế thu thập thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là một trong những chỉ tiêu của Bộ chỉ số đánh giá về Môi trường kinh doanh mới của World Bank; Các tổ chức quốc tế (IMF; UN; OECD) đưa vào các tài liệu, văn kiện và tuyên bố, thỏa thuận quốc tế có liên quan.
|
Đại diện Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước cho biết, FATF đã nêu những lo ngại nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 10 về việc Việt Nam không có tiến triển đáng kể trong việc thực hiện kế hoạch hành động trong một thời gian dài. |
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đại diện Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang nằm trong “Danh sách xám” của FATF. Nếu không có sự thay đổi về khung pháp lý, bao gồm cả nội dung về chủ sở hữu hưởng lợi thì FATF có thể xem xét đưa nước ta vào “Danh sách đen”. Điều này sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, khu vực tư nhân sẽ chịu nhiều tác động nhất. Những biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính và gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia.
Việc xây dựng cơ chế thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, việc này phải rất nỗ lực vì:
Thứ nhất, cam kết của Chính phủ Việt Nam thời hạn hoàn thành việc sửa đổi pháp lý là tháng 5/2025. Tuy nhiên, thời gian sửa Luật phải thực hiện theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với nhiều quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, đa phần cộng đồng doanh nghiệp còn xa lạ với khái niệm này, vì vậy, việc luật hoá các yêu cầu về thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp cần được truyền thông đầy đủ để việc triển khai được hiệu quả hơn.
Tại Tọa đàm, đại diện đơn vị chuyên môn của các cơ quan đã trao đổi, thảo luận về sự cần thiết của việc xây dựng khung pháp lý về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp; việc công khai các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; nguồn lực thực hiện... Điều này thể hiện nỗ lực trong việc thực hiện cam kết với FATF, cũng là quyền lợi khi thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế.