Xây dựng niềm tin: Doanh nghiệp có trách nhiệm lớn nhất

(ĐTCK) Niềm tin của nhiều NĐT trên TTCK bị xói mòn do có không ít công ty niêm yết công bố thông tin không rõ ràng, chậm công bố thông tin liên quan đến lãi lỗ, trích lập dự phòng… Trao đổi với ĐTCK, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, các công ty có trách nhiệm lớn nhất trong việc xây dựng lại lòng tin của NĐT. Một trong những công cụ chính là xây dựng bản Báo cáo thường niên theo nguyên tắc trung thực, hợp lý và không có điểm loại trừ.
ông Dominic Scriven. ông Dominic Scriven.

Với tư cách là đơn vị đầu tư vào nhiều DN niêm yết, Dragon Capital mong muốn điều gì ở báo cáo thường niên của DN năm nay, thưa ông?

NĐT bao giờ cũng quan tâm đến BCTC của DN ở cả 3 phần là các báo cáo, ý kiến của công ty kiểm toán và thuyết minh. Tôi vừa được coi báo cáo thường niên của một công ty mà trong đó có phần về BCTC nhiều điểm loại trừ đến mức không sử dụng được. Trong trường hợp báo cáo có điểm loại trừ thì phần thuyết minh phải giúp NĐT hiểu được điểm loại trừ đó.

Một phần đáng chú ý nữa là mô hình quản trị công ty. Phần này gồm các thông tin thành viên HĐQT, cơ cấu thành viên và các hành động, cách thức đề cử HĐQT và ban kiểm soát, rồi thông tin họp, nội dung họp của HĐTQ, nội dung họp của các tiểu ban (nếu có). Phần này đọc chán nhất, nhưng những bài học trong năm vừa qua đã cho thấy vì sao phần này quan trọng.

Vì sao, thưa ông?

Thời gian qua, các công ty đã huy động rất nhiều vốn nhiều từ NĐT. NĐT cần biết việc sử dụng vốn đó như thế nào. Không thể sử dụng vốn hiệu quả nếu quy trình ra quyết định lại thiếu khoa học, cân đối và thiếu quản trị rủi ro. Một nguyên nhân nữa là từ cuối năm 2007, đặc biệt là đầu năm 2008, nhiều trường hợp công ty đã phát sinh lỗ, nhưng đến cuối năm 2008 NĐT mới được biết. Như vậy là quản trị công ty có vấn đề.

Nhiều DN cho biết là họ rất ngại tham gia cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên năm 2008 do kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc không hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch năm nay cũng không có gì khả quan. Ông chia sẻ gì với sự ngại ngần này?

Có hai yếu tố thu hút sự quan tâm của NĐT với DN là các chỉ số tài chính và lòng tin. Lần này, lòng tin là yếu tố sống còn trong thu hút các NĐT đã rời bỏ thị trường quay trở lại, giữ chân NĐT hiện tại và khiến các NĐT mới quan tâm. Ở Mỹ, sau vụ lừa đảo của Madoff, TTCK nước này và nhiều nước khác mất lòng tin chưa từng có. Vì vậy, nhiệm vụ lớn lúc này là xây dựng lại lòng tin.

Ở Việt Nam, chưa có vụ lừa đảo nào như Madoff, nhưng TTCK cũng phải đối mặt với thách thức là NĐT mất lòng tin do một số công ty chậm công bố thông tin lãi lỗ, thiếu rõ ràng trong việc trích lập dự phòng, khó tìm hiểu thông tin về DN… Vì vậy, các công ty niêm yết có trách nhiệm lớn nhất trong xây dựng lại niềm tin của NĐT. Tương lai của DN phụ thuộc vào sự phát triển bền vững của thị trường. Để xây dựng lòng tin, DN phải đối thoại với NĐT. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và vĩnh viễn. Báo cáo thường niên trung thực, hợp lý và không có điểm loại trừ là công cụ chính cho đối thoại. Ở đây, chúng ta không đặt vấn đề về những khó khăn chung của thị trường như kinh doanh có lãi hay đầu ra như thế nào. Tôi tin rằng, sẽ đến thời điểm thế giới đi vào ổn định, những DN hưởng lợi sẽ là những DN tạo dựng được lòng tin, thu hút được sự quan tâm của NĐT.

Bàn về tiêu chí trung thực, hợp lý, có những lý lẽ khác nhau. Chẳng hạn, cùng là đầu tư cổ phiếu của công ty chưa niêm yết, có công ty trích lập dự phòng giảm giá đầu tư theo giá thị trường, nhưng có công ty không trích lập vì cho rằng đó là góp vốn lập công ty, đầu tư dài hạn. Vậy theo ông, đâu là yếu tố quyết định tính hợp lý?

Đối với cổ phiếu chưa niêm yết, tại công ty chúng tôi, hạch toán hàng tuần theo giá trị hợp lý. Với những cổ phiếu có giao dịch, chúng tôi ghi nhận giá bình quân tại 4 CTCK. Nguyên tắc này được trình bày với công ty kiểm toán trước, họ chấp nhận mới làm. Nếu cổ phiếu không có giao dịch, chúng tôi sử dụng phương pháp phổ biến nhất là tính giá trị sổ sách. Hoặc có thể sử dụng kết quả định giá của nhà định giá độc lập. Không còn khả năng nào khác mới sử dụng định giá của HĐQT.

Đối với các DN thông thường khác, nếu đầu tư vào công ty khác có dự án đem lại dòng tiền khoảng 25%/năm, mà trong 3 - 4 năm nữa họ không bán cổ phiếu theo cam kết thì việc không trích lập dự phòng có thể coi là hợp lý. Nhưng nếu đó chỉ là những khoản đầu tư dài hạn mà chưa thể bán hoặc chưa muốn bán, thì việc giữ giá 10.000 đồng/CP trong khi giá thị trường còn 6.000 đồng/CP là không hợp lý. Tính hợp lý trong việc xử lý bảng tổng kết tài sản, phản ánh các khoản lãi lỗ phụ thuộc vào văn hóa DN.

Đúng là ý thức tự giác của DN quyết định việc công bố thông tin rõ ràng, xây dựng lòng tin thị trường. Song nếu chỉ trông chờ ý thức trách nhiệm thì chưa đủ. Theo ông, NĐT cũng như cơ quan quản lý có trách nhiệm như thế nào trong xây dựng niềm tin?

Các chủ thể tham gia thị trường đều có trách nhiệm xây dựng lại niềm tin. Vai trò của NĐT, nhất là những NĐT có tổ chức rất quan trọng, vì họ là những người có chuyên môn. Hoạt động của các tổ chức như Hiệp hội Các NĐT tài chính, Câu lạc bộ Công ty quản lý quỹ, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán… rất quan trọng. Trong hệ thống pháp luật dân sự ở Anh quốc có khái niệm là "người đi mua hàng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình". Không thể mua một món hàng không tốt rồi lại kêu ca. NĐT có quyết định riêng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Phải xem bản công bố kết quả hàng tháng, phải dự ĐHCĐ…

Thời gian qua, tất cả chúng ta ai cũng thấy một phần nào đó là thiếu kinh nghiệm. Các DN thiếu kinh nghiệm trong công bố thông tin. Chúng tôi cũng vậy. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý là đưa ra khung pháp lý rõ ràng, thực thi và xử lý công bằng các sai phạm.

Chúng tôi đang góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK với hành vi cố tình công bố thông tin sai. Mức phạt tối đa được nâng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng. Tôi cho rằng, mức phạt này vẫn rất thấp so với thiệt hại mà cổ đông phải gánh chịu. Có thể xử phạt theo tỷ lệ tương ứng với thiệt hại do vi phạm công bố thông tin gây ra.

Dragon Capital từng bị thiệt hại do DN thiếu rõ ràng trong công bố thông tin chưa, thưa ông?

Từ khi vào Việt Nam đến nay, chúng tôi đã đầu tư vào khoảng 90 công ty, không phải là theo phương thức mua đi bán lại. Có nhiều trường hợp thành công, nhưng cũng có những trường hợp không thành công. 90% trường hợp đầu tư không thành công của Dragon Capital là do đối thoại của công ty không rõ ràng. Còn 90% trường hợp đầu tư thành công là do được đối thoại cởi mở, rõ ràng.

Thu Hương thực hiện.
Thu Hương thực hiện.

Tin cùng chuyên mục