Xây dựng Hòa Bình (HBC) nêu biện pháp khắc phục cổ phiếu bị cảnh báo và kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 5/8, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HOSE) đã gửi công văn giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Xây dựng Hòa Bình (HBC) nêu biện pháp khắc phục cổ phiếu bị cảnh báo và kiểm soát

Từ ngày 19/1/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã quyết định chuyển cổ phiếu HBC từ diện hạn chế giao dịch sang diện kiểm soát. Trong đó, cổ phiếu HBC bị theo dõi do Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp là năm 2021 và năm 2022; và cổ phiếu bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 là số âm.

Xây dựng Hòa Bình cho biết, thời gian qua đã phối hợp với đơn vị kiểm toán để hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 đúng thời hạn quy định vào ngày 30/3/2024. Bên cạnh đó, ngày 17/7/2024 công ty đã công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024.

Trong thời gian tới, Xây dựng Hòa Bình dự kiến hoàn thành và công bố báo cáo tài chính soát xét riêng lẻ và báo cáo tài chính soát xét hợp nhất bán niên 2024 đúng thời hạn.

Được biết, trước đó, ngày 10/7/2023, Xây dựng Hòa Bình nhận được quyết định số 325 của HOSE ngày 6/7/2023 về việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo kể từ 13/7/2023. Lý do là lợi nhuận luỹ kế tại thời điểm 31/12/2022 là số âm.

Xây dựng Hòa Bình cho biết thêm, trong tình hình kinh tế nói chung và ngành xây dựng - bất động sản nói riêng bị tác động bởi nhiều biến cố bất lợi ở trong nước và trên thế giới. Công ty đã và đang thực hiện tái cấu trúc để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khủng hoảng.

Thêm nữa, ngày 28/6/2024, Xây dựng Hòa Bình đã công bố kết quả đợt phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với tổng số lượng 73,08 triệu cổ phiếu, giúp việc tăng vốn điều lệ thêm 730,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Xây dựng Hòa Bình còn có định hướng mở rộng thị trường xây dựng các công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội và phát triển thị trường nước ngoài.

Và đặc biệt, cùng với đó là huy động nhân lực phục vụ thu hồi nợ tồn đọng, bao gồm giải quyết tranh chấp công nợ qua tòa án kinh tế hoặc trọng tài quốc tế. Công ty kỳ vọng sẽ thành công trong chiến lược tái cấu trúc đề ra.

“Xây dựng Hòa Bình kỳ vọng bằng nỗ lực và quyết tâm, cùng với sự hỗ trợ thiện chí của các đối tác bao gồm khách hàng, ngân hàng … Công ty tin tưởng sẽ thành công trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện đã đề ra”, Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh.

Điểm đáng lưu ý, trước đó ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có thông báo gửi CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình về việc hủy niêm yết bắt buộc.

Trong đó, HOSE cho biết, tại thời điểm 31/12/2023, Xây dựng Hoà Bình đang có lỗ luỹ kế 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của cổ đông (vốn điều lệ cuối năm 2023 là 2.741 tỷ đồng).

Căn cứ quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020: “Cổ phiếu của Công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: e) kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt qua số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

“HOSE thông báo về việc cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc. HOSE sẽ thực hiện huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HBC của Công ty theo quy định”, văn bản của HOSE nhấn mạnh.

Ngay sau thông báo cổ phiếu có thể bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ đông lớn Hyundai Elevator Co., Ltd đã bán ra 5 triệu cổ phiếu HBC để giảm sở hữu từ 28,06 triệu cổ phiếu (8,08% vốn điều lệ) về còn 23,06 triệu cổ phiếu (6,64% vốn điều lệ), giao dịch được thực hiện ngày 31/7.

Được biết, tính tới 30/6/2024, Xây dựng Hoà Bình còn lỗ luỹ kế tới 2.498,26 tỷ đồng, bằng 71,95% so với vốn điều lệ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu HBC tăng 290 đồng lên 5.420 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục