Trong quý III/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.893,29 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 168,45 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 6,28 tỷ đồng, tức giảm 174,73 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,5%, về còn 2,1%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 85,9% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 242,67 tỷ đồng, về 39,92 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 9%, tương ứng giảm 3,05 tỷ đồng, về 30,81 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 18,1%, tương ứng tăng thêm 22,26 tỷ đồng, lên 144,97 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 47%, tương ứng giảm 76,75 tỷ đồng, về 86,46 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 5.355,85 tỷ đồng, giảm 50,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 879,9 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 63,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 943,52 tỷ đồng.
Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong 9 tháng đầu năm 2023 thêm 879,9 tỷ đồng, tính tới 30/9/2023, tổng lỗ luỹ kế của Xây dựng Hòa Bình lên tới 2.980,3 tỷ đồng, bằng 108,7% vốn điều lệ (vốn điều lệ là 2.741,33 tỷ đồng).
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình giảm 12,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 2.000 tỷ đồng, về 13.696,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 8.856,8 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.296,6 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng tài sản…
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn giảm 17% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.815,8 tỷ đồng, về 8.856,8 tỷ đồng.
Về các khoản phải thu, đáng chú ý, đầu năm Xây dựng Hòa Bình đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 2.059 tỷ đồng nhưng tới cuối quý III đã lên tới 2.504,79 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã tăng trích lập thêm 445,8 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Xây dựng Hòa Bình giảm 16% so với đầu năm, tương ứng giảm 981,11 tỷ đồng, về 5.149,79 tỷ đồng và chiếm 37,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 4.399,99 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 749,8 tỷ đồng.
Thương vụ bán vốn tại Máy xây dựng MATEC bất thành
Theo thông tin Xây dựng Hòa Bình mới công bố, Công ty đã thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng lại 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC và cử ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC làm người đại diện quản lý toàn bộ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC.
Tính tới 30/9/2023, Xây dựng Hòa Bình cho biết vẫn đang sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Máy xây dựng MATEC.
Trước đó, ngày 17/6/2023, Hội đồng quản Xây dựng Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy xây dựng Matec cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính.
Ngày 19/6, theo tiết lộ từ phía Công ty, nhà đầu tư mua Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec là Ashita Group, tổng giá trị chuyển nhượng là 1.100 tỷ đồng.
Công ty Xây dựng Hòa Bình cho biết, điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, nhiều bất động sản của công ty bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước cũng sẽ được định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế, chắc chắn sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho Công ty Xây dựng Hòa Bình.
Có thể thấy, việc không tiếp tục giao dịch bán và nhận lại 100% vốn tại Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec, điều này đồng nghĩa thương vụ bán vốn cho Ashita Group trị giá 1.100 tỷ đồng đã bất thành.
Về giá cổ phiếu, hiện tại cổ phiếu HBC chỉ giao dịch phiên chiều. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu HBC giảm 160 đồng, về 7.300 đồng/cổ phiếu.