Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: MPI

Sáng 1/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại cơ sở NIC Hòa Lạc.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là cơ hội để thúc đẩy, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế thông qua gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi, chia sẻ và trình diễn các giải pháp công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo mới nhất trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi xanh.

Đồng thời cũng là cơ hội để tổng kết, nhìn lại quá trình 5 năm hình thành và phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và 1 năm khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hoà Lạc, một cột mốc quan trọng, khẳng định tầm nhìn và nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 52 năm 2019 về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách đây vừa tròn 5 năm, ngày 2/10/2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập với sứ mệnh là hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhanh chóng nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để Việt Nam bứt phá, vươn lên.

Để thực hiện được sứ mệnh này, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia xây dựng tầm nhìn chiến lược, tranh thủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức tập trung triển khai 9 ngành lĩnh vực công nghệ trọng tâm đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới là sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, trí tuệ nhân tạo..

Nhờ đó, trong 5 năm hoạt động, NIC đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thành lập, phát triển và dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thứ nhất, góp phần đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Trung tâm chủ trì nghiên cứu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Thủ đô, Nghị định số 94 năm 2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Với tầm quan trọng “đột phá của đột phá”, Chương trình sẽ mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu và thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ hai, phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

(1) Đã hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm là trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, đưa NIC nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới như SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…

(2) Hoàn thành hai cơ sở hoạt động của Trung tâm tại Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích trên 30.000 m2, trở thành các cơ sở thúc đẩy đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực;

(3) Thành lập 10 mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ với hơn 2.000 thành viên là các chuyên gia, trí thức;

(4) Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận toàn diện với trình độ chuyên môn và chất lượng cao các nguồn lực về tài chính, đầu tư, truyền thông, công nghệ, chuyển đổi số;

(5) Hỗ trợ ươm tạo hơn 1.000 startups, kết nối hơn 1.500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tổ chức và đồng tổ chức hơn 100 cuộc thi, giải thưởng dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp;

(6) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hơn 10.000 cá nhân đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; triển khai Chương trình Phát triển nhân tài số cung cấp hơn 60.000 suất học bổng cho các nhân tài số.

Đặc biệt, Trung tâm đã chủ động triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với nhiều đối tác bán dẫn hàng đầu thế giới (Qorvo, ARM, Marvell, Cadence, Synosyps, NVIDIA, Siemens...) và là đầu mối chủ trì Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đào tạo 1.300 giảng viên và 50.000 kỹ sư trong ngành bán dẫn, đồng thời xây dựng 4 Phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và 18 Phòng thí nghiệm bán dẫn tiêu chuẩn phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã có những bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của Quốc gia, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và trở thành đối tác tin cậy của nhiều đối tác công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới”.

Những kết quả nêu trên đã góp phần đưa Việt Nam liên tục thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong nhiều năm qua, theo đó năm 2024, Việt Nam ở vị trí thứ 44/133 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng, thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ từ các bộ, ban ngành, và sự đồng lòng của toàn xã hội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ không chỉ là nơi kết nối các nguồn lực, mà còn là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; vận hành hiệu quả và thành công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, góp phần thúc đẩy các giá trị đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng như mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục