Xây dựng Chỉ số hội nhập số ASEAN

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội thảo tham vấn về Chỉ số Hội nhập số ASEAN, nhằm thảo luận lấy ý kiến từ các chuyên gia và các nước thành viên để tiếp tục hoàn thiện Chỉ số Hội nhập số ASEAN.
Xây dựng Chỉ số hội nhập số ASEAN

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang ảnh hưởng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cách thức vận hành nền kinh tế. Các công nghệ mới nổi, số lượng dữ liệu ngày càng tăng và cách tiếp cận, hiểu biết của người dùng ngày càng trở nên thông minh.

Theo đó, cách người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ tương tác cũng đang dần thay đổi. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi đổi kỹ thuật số không còn là sự lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành điều cần phải thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng xu hướng phát triển của công nghệ, thu hút đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, ASEAN là thị trường internet phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với 125 nghìn người dùng mới mỗi ngày, nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể, với khoảng trên 1 nghìn tỷ đô la đóng góp vào GDP khu vực trong mười năm tới.

Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung là một thị trường quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số phát triển. Để khu vực ASEAN duy trì vị trí điểm đến đầu tư hấp dẫn, phụ thuộc vào khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế thế giới. ASEAN đã đưa ra nhiều biện pháp, chính sách nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới.

Một trong số đó, Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN đã được xây dựng. Mục tiêu chính của Khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN là nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh của ASEAN, thu hẹp khoảng cách số và tạo ra một ASEAN toàn diện hơn, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tăng trưởng phát triển kinh tế.

Khung hội nhập số ASEAN hiện đang được các nước thành viên tiếp tục thảo luận thống nhất 6 ưu tiên chính gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; Bảo vệ dữ liệu đồng thời hỗ trợ thương mại số và cải tiến số; Tạo thuận lợi thanh toán số xuyên biên giới; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực số; Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; Phối hợp hành động.

Trong khuôn khổ hoạt động ASEAN 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đề xuất xây dựng Chỉ số Hội nhập số ASEAN. Chỉ số Hội nhập số ASEAN dự kiến là một trong những ưu tiên của năm ASEAN 2020.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục