Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế: Từ chủ trương đến hiện thực

Tháng 4/2015,  lần đầu tiên, hàng trung chuyển quốc tế trong tuyến Nội Á được tiến hành tại Cảng CMIT thuộc khu vực cảng Cái Mép, huyện Tân Thành và đây là lần đầu sự kiện xếp dỡ số lượng lớn diễn ra tại Việt Nam.

Cảng CMIT đang chuyển mình để trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tuyến vận tải Nội Á - Ảnh: Minh Lý Cảng CMIT đang chuyển mình để trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tuyến vận tải Nội Á - Ảnh: Minh Lý

Từ một chủ trương lớn…

Theo đó, sau khi cập cảng CMIT, hơn 90% hàng trên tàu RDO Harmony (đến từ Singapore) được dỡ và sang tàu NYK Fuji để tàu NYK Fuji tiếp tục lộ trình của tuyến dịch vụ LEO.

Trung chuyển quốc tế là hoạt động cụ thể hóa chủ trương của Bộ Giao thông - Vận tải về việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, trong đó, tập trung điều chỉnh, cân đối cung cầu hàng hóa và bến cảng, triển khai các giải pháp tạo nguồn hàng cho các bến cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải, tận dụng khả năng tiếp nhận tàu lớn để các cảng khu vực này đảm đương vai trò cảng trung chuyển quốc tế.

Với vai trò được xác định như vậy, cụm cảng này sẽ thực hiện việc thu hút các hãng vận tải, chủ hàng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có thương hiệu nhằm đưa cụm Cảng Cái Mép – Thị Vải tham gia chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Sự kiện trên đã bước đầu hiện thực hóa Quyết định số 1382/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu về việc phê duyệt Đề án phát triển hoạt động cụm Cảng Trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải giai đoạn 2013-2020.

Điều đáng nói là, chủ trương phát triển cụm cảng thành cảng trung chuyển quốc tế của Bộ Giao thông – Vận tải lại hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu được đề ra trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xác định trọng tâm phát triển kinh tế biển, trong đó trọng tâm là cảng biển và dịch vụ logistics, từ đó giảm tỷ trọng GDP của ngành dầu khí và các ngành dịch vụ liên quan đến dầu khí. 

Song song với những chính sách phát triển cảng biển và logistics, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực  cải cách hành chính trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, trong đó có việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử và sử dụng các phương pháp kiểm soát hàng hóa hiện đại tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các doanh nghiệp cảng như Tân Cảng – Cái Mép, SP-PSA, Baria-Serece, SITV, CMIT và các hãng tàu Meersk, Line, Oocl, Wanhai, Evergreen… để tạo điều kiện cho các hãng tàu biển triển khai các tuyến vận tải quốc tế đến cụm Cảng Cái Mép – Thị Vải. 

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xây dựng đề án phát triển dịch vụ logistics đến năm 2020; Quy hoạch, xây dụng trung tâm dịch vụ hậu cần logistics với quy mô 1.000 ha, bao gồm cả khu thương mại tự do (FTZ) tại khu Cái Mép Hạ.

Ông Đặng Minh Thông, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo quy hoạch, hệ thống cảng là cảng tổng hợp quốc  gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (loại IA) cho tàu tải trọng đến 2000.000  DWT. Việc hệ thống cảng biển tại đây trở thành cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng thúc đẩy kế hoạch phát triển dịch vụ logistic của tỉnh trong giai đoạn sắp tới và là nền tảng để cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một mắt xích trong mạng lưới toàn cầu của các hãng vận tải biển  hàng đầu thế giới. 

“UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Chính phủ cho phép thành lập FTZ tại Cái Mép, trong đó cho phép các hoạt động và phân khu chức năng gồm: khu phi thuế quan; các phân khu chức năng khác như: kho, bãi, trung tâm phân phối; trung chuyển hàng hóa vận chuyển giữa các nước qua Việt Nam; gom hàng trong nước để xuất khẩu; phân phối hàng hóa trong khu vực các quốc gia lân cận; kiểm định, thử nghiệm, chứng nhận…”, ông Đặng Minh Thông cho biết thêm. 

… đến hiện thực đáng trân trọng

Sự kiện này đã làm vỡ òa niềm vui không chỉ dành riêng cho Cảng CMIT mà cho cả ngành công nghiệp cảng biển Việt Nam nói chung. Vậy là, việc phát triển cụm cảng trung chuyển quốc tế tại Thị Vải – Cái Mép bước đầu đã trở thành hiện thực.

Tàu RDO Harmony với trọng tải 55.495 DWT cập Cảng CMIT và thực hiện việc chuyển hàng trên tàu xuống Cảng CMIT. Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ làm hàng chuyên nghiệp, Cảng CMIT đã thực hiện dỡ 1.350 container cho tàu RDO Harmony trong vòng 8,7 giờ, đạt năng suất khai thác 41,80 container/giờ/cẩu bờ. Ngay sau đó, tàu NYK Fuji (trọng tải 45.000 DWT) cập Cảng CMIT xếp hàng, trong đó có 1.079 container là hàng trung chuyển từ tàu RDO Harmony.

Đại diện Cảng CMIT cho biết, sẽ báo cáo thử nghiệm thành công này lên Bộ Giao thông – Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam để hoàn thiện các chính sách ưu đãi về lệ phí hàng hải, vận tải nội địa phục vụ trung chuyển và thủ tục hải quan cho hàng trung chuyển quốc tế… trong Đề án Trung chuyển quốc tế tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Với thành công này, các chuyên gia cho rằng, UBND tỉnh cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải đảm nhận nhiệm vụ trung chuyển quốc tế. Theo đó, Cụm cảng sẽ được hưởng các ưu đãi về các loại thuế áp dụng đối với dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư và các ưu đãi khác về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết khi gia nhập WTO; Cho phép tàu nước ngoài ra/vào làm hàng tại cảng không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh với nguồn hàng, chỉ làm thủ tục đối với tàu theo quy định của Luật Hàng hải. Được áp dụng cước, phí tại cảng phù hợp với điều kiện thực tế, tính chất của một cảng trung chuyển quốc tế bước đầu tham gia vào một thị trường cạnh tranh quyết liệt với những cảng trung chuyển quốc tế lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Tanjung Pelepas… như Đề án đã đề ra.

Minh Lý
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục