Sáng 30/3, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
Đây là diễn đàn mở màn cho chủ trương tổ chức các diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên hằng năm, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt, nhấn mạnh thông tin này, ông Tuấn cho biết qua diễn đàn sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Thông tin từ Diễn đàn cho biết, năm 2021, dân số thanh niên từ 16-30 tuổi của Việt Nam là gần 24 triệu người, chiếm 24,3% tổng dân số cả nước. Theo số liệu điều tra Lao động - Việc làm Quý II năm 2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động thanh niên (độ tuổi từ 15-24 tuổi) khoảng 5,22 triệu người, chiếm 43% tổng dân số thanh niên và chiếm 10,2% tổng lực lượng lao động cả nước.
Về cơ cấu lao động, tỷ lệ thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, là 18,12% lực lượng lao động, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 81%. Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp tiểu học trở xuống chiếm 21%; tỷ lệ lao động thanh niên tốt nghiệp THCS chiếm 32,92%.
Mặc dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp, theo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.
Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội nhận định, chất lượng lao động thanh niên còn thấp, cản trở sự tiếp thu khoa học, công nghệ, ảnh hưởng đến chất lượng việc làm của thanh niên.
Cơ quan của Quốc hội nhận định, thể chế, chính sách về đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho thanh niên còn có chưa đồng nhấ. Các chương trình dự án còn nhiều nội dung, hoạt động chồng chéo nên hiệu quả đối với thanh niên chưa cao.
Bên cạnh đó, tâm lý xã hội còn coi trọng bằng cấp hơn kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề chưa tạo ra được “sức hút” để thu hút thanh niên vào học nghề.
Uỷ ban Văn hoá, giáo dục đề nghị Bộ chính trị ra chỉ thị về tăng cường nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong bối cảnh mới và kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên.
Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm hơn nữa đến giáo dục nghề nghiệp, nâng tỷ lệ chi cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo lên 15% - 16%.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết trong đào tạo nghề cho thanh niên.
Do tác động nặng nề của dịch COVID-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp: số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%, Phó chủ tịch Quốc hội dẫn các con số đáng chú ý.
Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói, trong thế giới hôm nay, dù là hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế nhưng diễn biến vô cùng khó lường. Trước đây 5 năm chẳng ai nghĩ đến dịch bệnh COVID-19 làm đảo lộn thế giới cho đến hôm nay và không thể tưởng tượng giữa lòng châu Âu bây giờ có xe tăng, tên lửa. Bên cạnh đó, dù hợp tác phát triển nhưng cạnh tranh rất gay gắt.
Theo Phó thủ tướng, sự phân công lao động quốc tế âm thầm diễn ra và tới đây diễn ra mạnh mẽ hơn, bởi vì, rất nhiều nghề nghiệp không cần lao động tại chỗ mà làm việc từ xa. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội của thanh niên Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, ngày xưa nói về nghề chỉ chuyên một nghề và có nhiều câu nói hay như "sinh nghề tử nghiệp hay, một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Còn hiện nay, nghề của mình làm phải giỏi nhưng không phải chỉ một nghề mà ngay trong nghề đó cũng phải thường xuyên thay đổi, cập nhật.
Việc này, đặt ra cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nói chung phải thay đổi và trong từng người phải thay đổi. Cụ thể, bên cạnh kỹ năng nghề thì phải có kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, đóng góp, tham gia làm việc cộng đồng...Phó thủ tướng nhấn mạnh và nhắn nhủ với các đai biểu thanh niên rằng, học tập không chỉ để phục vụ đất nước mà hướng tới công dân toàn cầu, và đây là thách thức rất lớn.