Xây bộ công cụ để sàng lọc dự án FDI

0:00 / 0:00
0:00
Những “mảng tối” của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khiến dư luận cho rằng, cần thiết phải xây dựng “bộ lọc” để nâng “chất” dòng vốn này.
Những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao, như Samsung, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Đ.T Những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao, như Samsung, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Đ.T

Địa phương có vai trò thẩm định để lựa chọn được dự án tốt nhất

Một bộ công cụ sàng lọc dự án FDI vừa được xây dựng và công bố dựa trên cơ sở hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Theo lý giải của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế (VCCI), tuy dòng vốn FDI là một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hoạt động của các dự án FDI thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Chẳng hạn, chuyện một số doanh nghiệp chuyển giá và trốn thuế ở Việt Nam; một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội… Chưa kể, trong các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, chỉ khoảng 5% sử dụng công nghệ cao; tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp. Tình trạng nhà đầu tư chậm trễ trong triển khai dự án khiến chính quyền địa phương phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, hay tình trạng làm ăn thua lỗ… cũng vẫn tồn tại.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020 có tới 56% trong tổng số 25.200 doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ, dù tài sản của các doanh nghiệp này tăng 22%...

“Vấn đề đặt ra là phải làm sao thu hút các dự án FDI có chất lượng, hoặc tìm kiếm được các nhà đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường do các dự án đầu tư nước ngoài kém chất lượng gây ra”, ông Đậu Anh Tuấn nói và cho rằng, các địa phương có vai trò trong việc thẩm định dự án FDI để lựa chọn được dự án tốt.

Có cùng quan điểm, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, cần triển khai các công cụ rà soát, các bộ lọc để sàng lọc các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm như một yêu cầu cho việc chấp thuận đầu tư...

Dự án kinh doanh có trách nhiệm, theo bà Ramla Khalidi, là phải đảm bảo việc đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho con người, môi trường và nền kinh tế Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững.

Trên thực tế, việc lựa chọn, sàng lọc dự án đầu tư đã được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi Chính phủ Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút FDI và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các tiêu chí thống nhất, có tính định lượng, được áp dụng trên toàn quốc đang “gây khó” cho việc sàng lọc, lựa chọn dự án FDI từ các địa phương.

“Việc lồng ghép các tiêu chí kinh doanh có trách nhiệm vào quy trình thẩm định dự án FDI hiện hành là cần thiết, bởi đó sẽ là ‘bộ lọc’ mà các cơ quan thẩm định có thể sử dụng để chọn lọc dự án đầu tư đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Sàng lọc dự án FDI

Việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài là cấp thiết khi Việt Nam đang chuyển sang chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, chú trọng tới yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường.

- Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Để giải bài toán “thẩm định” dự án FDI, VCCI và UNDP đã phối hợp xây dựng bộ công cụ để sàng lọc dự án FDI, nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố xác định, giảm thiểu, ngăn ngừa và quản lý tốt hơn các tác động tiêu cực thực tế và tiềm ẩn của dự án đầu tư.

Bộ công cụ này bao gồm danh mục các yếu tố cần xem xét khi chính quyền địa phương thực hiện sàng lọc, thẩm định dự án FDI. Rà soát ban đầu nhằm loại trừ các dự án không đảm bảo các yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật của Việt Nam; sau đó là khuyến khích việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và các thực tiễn tốt trong kinh doanh.

“Công cụ này bao gồm các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế - xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm”, ông Tuấn cho biết.

Theo đó, hàng loạt câu hỏi, hàng loạt tiêu chí cụ thể được đặt ra, giúp việc lựa chọn dự án đầu tư trở nên dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, nhà đầu tư có chứng minh được năng lực tài chính tốt không? Nhà đầu tư sẽ tạo việc làm, kết nối và phát triển chuỗi cung ứng như thế nào? Nhà đầu tư sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ra sao? Mức lương trung bình dự kiến chi trả cho người lao động có cao hơn mức lương trung bình đang được trả ở địa phương hay không?...

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra như vậy, và nếu trả lời được, sẽ cho thấy dự án đó có “chất” hay không, có nên lựa chọn hay không.

“Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cũng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư trong việc thẩm định dự án FDI tại các địa phương”, ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) nói. Cũng theo ông Thắng, bên cạnh bộ lọc, cần tích cực tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án kinh doanh có trách nhiệm.

Trên thực tế, nhằm tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ hai bộ tiêu chí: một để lựa chọn dự án FDI, một để đánh giá hiệu quả của dự án FDI.

Theo đó, để chọn lọc dự án FDI, có 7 tiêu chí đã được đặt ra, bao gồm suất đầu tư, lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết - tác động lan tỏa, môi trường và quốc phòng - an ninh.

Trong khi đó, với bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất tới 36 chỉ tiêu, trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.

Một khi bộ công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án FDI được áp dụng nghiêm túc và phát huy hiệu quả, cộng với bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài được triển khai thống nhất trên toàn quốc, thì chất lượng dòng vốn FDI chắc chắn sẽ nâng lên một bậc, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục