Giá bán lẻ các mặt hàng xăng đồng loạt có sự điều chỉnh tăng thêm từ 753 - 925 đồng/lít từ 15 giờ chiều nay, 25/1/2024.
Theo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III tăng 925 đồng, lên mức 23.407 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 753 đồng, lên mức 22.171 đồng/ lít.
Giá các mặt hàng dầu tăng không đáng kể, tăng nhiều nhất là diesel 180 đồng/lít, riêng mazut giảm 14 đồng/kg. Sau điều hành, giá dầu diesel 0.05S có giá mới 20.376 đồng/lít; dầu hỏa 20.544 đồng/lít, mazut 15.494 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen và dầu hỏa, trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut, đồng thời không chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.
Cơ quan điều hành giá xăng dầu cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ 7 ngày qua chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang, nguồn cung xăng dầu tại Mỹ thắt chặt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, đã thúc đẩy lực mua trên thị trường, kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu…
Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua có biến động tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá như sau: Xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 tăng 4,61%, xăng RON95 tăng 4,96%, dầu hỏa giảm 0,22%, dầu diesel tăng 0,80%, dầu mazut giảm 0,39% so với kỳ trước.
Thị trường xăng dầu trong gần 1 tháng qua cơ bản ổn định, không có biến động. Tuy nhiên, chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, việc đảm bảo nguồn cung thông suốt đối với mặt hàng này càng trở nên cấp thiết.
Trong Công điện mới nhất (24/1/2024), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Công thương thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường.
Bộ này phải chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa và có phương án bù đắp nguồn cung xăng dầu phù hợp trong mọi tình huống; tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, đồng thời có giải pháp kịp thời không để ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với diễn biến thị trường xăng dầu.