Xăng dầu tăng giá, DN vận tải “ngấm đòn”

(ĐTCK) Dù đã có sự chuẩn bị sẵn sàng theo kiểu “nước nổi, bèo nổi”, song việc giá xăng dầu tăng khiến doanh thu của nhiều DN vận tải sụt giảm trông thấy.
Xăng dầu tăng giá, DN vận tải “ngấm đòn”

Giá xăng dầu tăng hai lần liên tiếp trong vòng chưa đầy hai tháng qua khiến giá cả đang rục rịch tăng theo. Với các DN ngành vận tải, dù đã có sự chuẩn bị sẵn sàng theo kiểu “nước nổi, bèo nổi”, song việc thay đổi giá cước là điều không đơn giản, khi doanh thu của nhiều đơn vị sụt giảm trông thấy. Vậy các đơn vị trong ngành này giải quyết bài toán trên như thế nào?

 

Ông Lưu Huy Hà

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoàng Hà (HHG)

Với mức chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40 - 45% tổng chi phí hoạt động, nên việc giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chúng tôi. Việc tăng giá xăng không chỉ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động, mà còn tác động đến doanh thu, bởi tình trạng đình trệ sản xuất ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, vận chuyển của DN, người dân nói chung.

Với HHG, tình hình cạnh tranh gay gắt trên địa bàn hoạt động khiến việc tăng giá cước phí vận tải để bù đắp chi phí không phải lúc nào cũng được thực hiện. Ngoài ra, ngay cả khi tăng giá cước được thì điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Taxi phải thay đổi lại giá cước, đồng nghĩa với việc phải dừng xe để thay đổi cài đặt. Mà muốn vậy chúng tôi phải gỡ kẹp chì niêm phong, sau đó lại phải thuê kiểm định để kẹp chì lại. Bên cạnh đó, các tuyến cố định phải in lại vé… Rất nhiều chi phí phát sinh khiến DN vận tải cảm thấy mệt mỏi với xu hướng giá nhiên liệu bất ổn, dù nó có một phần nguyên nhân khách quan từ giá cả thế giới.

Quá nhiều yếu tố tác động, từ chi phí nhiên liệu đến các loại phí giao thông sắp tới…, khiến chúng tôi dù đã rất thận trọng nhưng vẫn phải tính đến các phương án điều chỉnh doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.

 

Ông Trần Anh Minh

Phó tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS)

Trong tình hình hiện nay, Vinasun chủ trương không tăng giá cước taxi, mà thực hiện cơ cấu lại tỷ lệ chia doanh thu giữa Công ty và lái xe để bù đắp tăng chi phí nguyên - nhiên liệu. Tháng 3, 4, 5 là giai đoạn thấp điểm trong năm về doanh thu taxi, nhưng về cơ bản, Công ty vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu theo thời gian.

Chúng tôi cho rằng, năm nay là năm đỉnh điểm của khó khăn với DN trong ngành, với giá xăng liên tục tăng, lãi suất dù có hạ nhưng vẫn còn cao. Các chính sách về phí, lệ phí giao thông… cũng khiến DN ngành vận tải khó khăn hơn. Chính vì vậy, dù chúng tôi chủ trương xin ĐHCĐ thông qua kế hoạch đầu tư mới 250 xe taxi, nhưng việc triển khai có thể thay đổi, tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô. Các quyết định về đầu tư mở rộng đội xe sẽ phải chờ đến khoảng tháng 6, sau khi xem xét và cân nhắc các yếu tố như chính sách của Nhà nước về lãi suất, phí và lệ phí…

 

Ông Võ Thanh Hoàng Chương

Tổng giám đốc CTCP Thuận Thảo (GTT)

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi trong vòng 1 tháng rưỡi, giá xăng dầu đã tăng đến 2 lần. Tính ra, giá xăng đã tăng thêm 3.000 đồng/lit, giá dầu đã tăng thêm 1.530 đồng/lít, một con số không hề nhỏ.

Khi xăng dầu tăng, những DN hoạt động trong ngành vận tải như GTT bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì hiện tại, chi phí xăng dầu chiếm từ 30 - 50% tổng chi phí hoạt động của GTT. Nếu theo đà tăng giá xăng như hiện nay, chi phí ước đội thêm 12%. Hiện chúng tôi chưa thể ước lượng mức ảnh hưởng của đợt xăng tăng lần này đến kết quả kinh doanh quý II/2012, nhưng căn cứ mức ảnh hưởng của đợt tăng giá lần trước, những thiệt hại là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, trong đợt tăng giá xăng lần trước (tăng thêm 2.140 đồng/ lít), chi phí hoạt động của Công ty đã đội thêm 10%.

Không chỉ thiệt hại qua những con số cụ thể, sự biến động khó lường của giá xăng dầu đã khiến chúng tôi thực sự bối rối trong việc hoạch định các kế hoạch, chiến lược hoạt động. Ví dụ, trong kế hoạch từ đầu năm, chúng tôi dự trù chỉ tiêu hoạt động trên cơ sở giá xăng tăng thêm 10%, nhưng hiện nay, diễn biến giá xăng đã ra ngoài dự liệu của chúng tôi. Điểm khó nữa là dù xăng dầu tăng giá, GTT không thể cứ muốn tăng giá vận chuyển là tăng ngay.

Lần trước, phải sau 10 ngày khi giá xăng đã tăng, chúng tôi mới triển khai tăng giá cước vận chuyển thêm 6%, do phải xem xét các DN cùng ngành và xin ý kiến của Hiệp hội Vận chuyển. Lần này cũng thế. Nhưng dù thế nào, khi giá nhiên liệu tăng, hoạt động kinh doanh vận tải nói chung sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ghi nhận của Bùi Sưởng - Ngọc Thủy
Ghi nhận của Bùi Sưởng - Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục