Xác lập vị thế dẫn đầu, Sợi Thế Kỷ kỳ vọng bứt phá

(ĐTCK) Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập đã định vị Sợi Thế Kỷ phải ở Top đầu, cung cấp những sản phẩm cao cấp ra thị trường với giá cả cạnh tranh, trong đó chiến lược chính là đầu tư công nghệ hiện đại, đa năng nhất (có thể tận dụng để thay đổi sản phẩm linh hoạt) và đồng nhất với nhu cầu thị trường. 
Nhà máy của STK là một trong những nhà máy sợi hiện đại nhất với công nghệ tiên tiến Nhà máy của STK là một trong những nhà máy sợi hiện đại nhất với công nghệ tiên tiến

Song song với đầu tư công nghệ là đào tạo đội ngũ nhân sự lành nghề, nâng cao quản trị và từ đó đạt được các chứng chỉ, chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp STK củng cố và phát triển được thương hiệu, vượt qua giai đoạn khó khăn trong năm 2015 - 2016 và chớp ngay cơ hội từ tín hiệu hồi phục nhu cầu hàng may mặc của thị trường. 9 tháng đầu năm, STK ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ vượt kế hoạch cả năm. Năm 2018, dự báo là một năm bùng nổ cho nhu cầu dệt may và theo đó, những doanh nghiệp đầu ngành như STK chắc chắn hưởng lợi. 

Khó khăn đã qua

Năm 2015 - 2016, lợi nhuận Công ty sụt giảm mạnh nhưng nguyên nhân chính không xuất phát từ nội tại doanh nghiệp mà do hàng loạt yếu tố trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng đến sản lượng bán ra. Cụ thể, khách hàng hoãn đơn hàng trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh đã khiến nhu cầu thị trường suy yếu từ nửa cuối năm 2015. Bên cạnh đó, các công ty sợi Trung Quốc đã bán phá giá gay gắt trên thị trường quốc tế và Việt Nam nhằm giải quyết hàng tồn kho.

Thêm một cú bồi khó khăn cho STK khi thị trường xuất khẩu chính, chiếm 30% tổng doanh thu - Thổ Nhĩ Kỳ, đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu từ Việt Nam từ nửa cuối năm 2015 và chính thức áp thuế vào cuối năm 2016 ở mức 34,81%. Điều này đã khiến các khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ của STK giảm số đơn hàng sợi từ Việt Nam. Chưa kể đến Nhà máy Trảng Bàng 3 đi vào hoạt động đúng thời điểm nhu cầu hàng dệt may chậm lại, do vậy, chi phí khấu hao và lãi vay đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp. Mặt khác, biến động tỷ giá nằm ngoài dự báo của STK khiến phải trích lập thêm dự phòng lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong năm 2015 - 2016.

Điểm sáng lớn nhất trong giai đoạn này của Công ty chính là đã phát triển thành công các thị trường mới (Hàn Quốc, Nhật Bản) và số lượng khách hàng mới cũng gia tăng hàng năm. Năm 2015, phát triển được 56 khách hàng mới, đóng góp 7% tổng doanh thu; năm 2016 là 87 khách hàng mới, đóng góp 15% tổng doanh thu và trong 9 tháng đầu năm, STK phát triển thêm 79 khách hàng mới, đóng góp gần 7% tổng doanh thu. Cần lưu ý rằng, phát triển thị trường mới không hề dễ, bởi mỗi thị trường đều có những tiêu chí khắt khe riêng đối với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt thị trường nổi tiếng “khó tính” là Nhật Bản. Sở dĩ STK có thể phát triển khách hàng và thị trường mới là nhờ uy tín về chất lượng sản phẩm tốt và luôn ổn định, cũng như giá thành cạnh tranh.

Năm 2017, nhu cầu từ thị trường phục hồi và công suất nhà máy gia tăng đã giúp kết quả kinh doanh STK ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, STK ghi nhận  1.431 tỷ đồng doanh thu và 66,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành tương ứng 75% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Chính việc đẩy mạnh cung cấp sợi tại các thị trường mới và khách hàng mới đã giúp STK bù đắp hoàn toàn cho việc mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, cộng thêm các dự án FDI dệt nhuộm đã dịch chuyển vào Việt Nam trước đó bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2017 - 2018 đã giúp Công ty đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa, qua đó làm tăng doanh số/doanh thu.

Thị trường hồi phục và dự báo bùng nổ

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, tình hình nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bán tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, thị trường Mỹ nhập khẩu dệt may tăng 2,7% về khối lượng (trong đó hàng may mặc nói chung tăng 1,1% và hàng may mặc sử dụng sợi nhân tạo tăng 4,4%) và Việt Nam vẫn đang là quốc gia có tốc độ tăng cao nhất ở thị trường này với 8,1% (Trung Quốc tăng 5,1%, Ấn Độ 7,4%).

Trong khi đó, thị trường Nhật Bản tăng 1% về khối lượng và 1% về giá trị. Ở thị trường này, Việt Nam tăng trưởng 8% về khối lượng và 7% về giá trị, cao hơn mức tăng trưởng của Trung Quốc. Thị phần của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn đang tăng, từ 8,0% về khối lượng và 9,6% về giá trị trong năm 2015 lên 8,6% khối lượng và 10,6% giá trị trong năm 2016 và 9,1% khối lượng và 11% giá trị trong 9 tháng 2017). Tại thị trường châu Âu, trong 7 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu tăng 1,9%. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong cùng kỳ tăng 5,82%.

Theo dự báo, xu hướng tăng đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào các thị trường chính trên sẽ tiếp tục do sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam đang được cải thiện đáng kể so với đối thủ như Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam đã ký Hiệp định tự do thương mại với Nhật Bản và Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ được phê chuẩn trong năm 2018, có hiệu lực vào năm 2019 nên sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Ngoài ra, nhu cầu về sợi ở thị trường nội địa cũng tăng đáng kể từ cuối năm 2016, khi hàng loạt các nhà máy dệt nhuộm (di chuyển từ Trung Quốc sang) đã bắt đầu đi vào hoạt động. Trong năm 2016 - 2017, Việt Nam đã thu hút thêm một số dự án FDI ở lĩnh vực dệt may như Rạng Đông Textile (dệt/nhuộm), diện tích 675 hecta, dự án được chia làm 3 giai đoạn từ năm 2017 đến 2035. Dự án Paiho Ltd Sản xuất vải hoa (jacquard fabric) với giá trị đầu tư 50 triệu USD. Dự án ECLAT có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy dệt kim và sản xuất may mặc vào quý I và quý III/2017. Hay dự án mở rộng công suất nhà máy dệt vải ở Việt Nam của Makalot Industrial Co. Dự báo, nhu cầu tại thị trường nội địa sẽ tiếp tục gia tăng khi các nhà máy dần đi vào hoạt động.

Nền tảng vững chắc, cơ hội lớn cho Sợi Thế Kỷ

Xác định nền tảng để tăng trưởng đến từ sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh và dịch vụ khách hàng vượt trội, Sợi Thế Kỷ đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng đội ngũ lao động lành nghề và khả năng quản lý chuyên nghiệp để duy trì chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh. Đến nay, nhà máy của STK là một trong những nhà máy sợi hiện đại nhất với công nghệ tiên tiến, tổng công suất đã được nâng lên hơn 60.000 tấn/năm, giúp Công ty gia tăng khả năng cung ứng ra thị trường, chớp ngay được cơ hội khi thị trường bùng nổ, nhu cầu gia tăng mạnh. 

Sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, từ một doanh nghiệp Việt Nam nhỏ bé chưa có tên tuổi, đến nay thương hiệu Sợi Thế Kỷ dã được khách hàng tín nhiệm cả trong và ngoài nước, được đánh giá ngang với các công ty sản xuất sợi polyester hàng đầu thế giới như Nan Ya, Lan Fa, Zig Sheng, Hengli, LeaLea, Far Eastern… về chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Nhờ vậy, STK đã thành công trong việc liên tục phát triển các thị trường tiềm năng, các khách hàng mới và sở hữu danh mục khách hàng đa dạng, trong đó có nhiều khách hàng lớn.

Đối với triển vọng xa hơn, STK là đơn vị nhạy bén với xu hướng thị trường trong việc phát triển các loại sợi phù hợp với “tiêu dùng xanh” như sợi tái chế, sợi màu. Đây là những dự án rất quan trọng đối với Công ty, đảm bảo sự phát triển trong tương lai vì các thương hiệu lớn đã ký thỏa thuận với Hòa bình xanh đến năm 2020 không thải bất cứ chất độc hại nào ra môi trường, mà trong lĩnh vực nhuộm, chi phí để tái chế nước vô cùng lớn nên giải pháp tốt hơn chính là sử dụng sợi có màu.

Đối với sợi tái chế, nhu cầu cũng dự báo ngày càng tăng để đáp ứng xu hướng mới về bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Với công bố của Nike và Adidas, những thương hiệu này sẽ từng bước gia tăng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm của họ và dự kiến đến năm 2020, các sản phẩm của Nike và Adidas gần như sẽ được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tái chế. Trong khi đó, ưu điểm của sợi màu, tái chế là giá bán cao hơn sợi thông thường và số lượng doanh nghiệp sản xuất được sợi tái chế là rất ít bởi các rào cản về công nghệ, kỹ thuật và tiêu chuẩn - những yếu tố STK sẵn có. Điều này kỳ vọng mở ra triển vọng tăng trưởng lớn cho STK từ năm 2018.

Trong năm 2017, STK cũng triển khai với đối tác nước ngoài để tiến hành dự án sợi màu và sợi chập. Đặc biệt, Unifi đã công bố chính thức việc chỉ định STK làm nhà sản xuất nhượng quyền thương hiệu REPREVE tại Việt Nam. Với công bố này, nhiều khách hàng lớn đã tìm đến Công ty để thử mẫu/đặt hàng cho sản phẩm sợi tái chế. Trong 10 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng đóng góp doanh thu của sợi tái chế vào tổng doanh thu bán hàng của Công ty là không lớn (4,3%). Tuy nhiên, STK tin rằng doanh số bán hàng của sản phẩm này sẽ tăng ấn tượng trong 2 tháng cuối năm và những năm tới, qua đó sẽ giúp biên lợi nhuận của Công ty cải thiện tốt hơn nữa.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục