Xác định suất đầu tư cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa

Kết quả nghiên cứu 2 phân đoạn đầu của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đầu tư theo hình thức PPP, đều cho thấy tính khả thi cao.
Với lưu lượng giao thông tăng cao hiện nay, nhu cầu xây dựng cao tốc là rất lớn. Ảnh: Đức Thanh Với lưu lượng giao thông tăng cao hiện nay, nhu cầu xây dựng cao tốc là rất lớn. Ảnh: Đức Thanh

Phân kỳ đầu tư

Gần như cùng lúc, Báo cáo Nghiên khả thi Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) và đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa được các đơn vị chuẩn bị đầu tư trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt.

Đây cũng là 2 dự án thành phần đầu tiên thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoàn thành bước nghiên cứu khả thi - bước chuẩn bị quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chính thức phê duyệt.

Là phân đoạn đầu dự kiến triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, Dự án xây dựng đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 do Ban quản lý dự án Thăng Long chuẩn bị đầu tư có chiều dài 63,37 km đi qua 2 huyện, 1 thành phố của tỉnh Ninh Bình và 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa. 

Tuyến được quy hoạch 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m, vận tốc 120 km/h, nhưng giai đoạn trước mắt, đơn vị tư vấn (Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải - TEDI) đề xuất phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, rộng 17 m. Ngoài các cầu vượt sông, cầu vượt nút giao, Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 còn xây dựng 2 hầm đường bộ, với tổng chiều dài 940 m là Tam Điệp và Thung Thi. Ước tính, tổng mức đầu tư giai đoạn I của Dự án là 13.788,4 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng công trình là 9.123,7 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 1.964,4 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn là 1.082 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng.

Có điểm đầu tuyến là điểm cuối của tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài 43,28 km, cũng được quy hoạch với quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế. Theo tính toán của TEDI, tổng mức đầu tư của Dự án thành phần này là 7.307,9 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 4.472 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài hơn 106 km, quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế là 21.095 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân 199 tỷ đồng/km và 128 tỷ đồng/km (nếu chỉ tính chi phí xây dựng).

“Suất đầu tư như vậy là khá hợp lý do tuyến vừa đi qua khu vực địa chất yếu, vừa phải đầu tư xây dựng hầm đường bộ vượt dãy Tam Điệp”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, trong số 8 phân đoạn thuộc Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020 đầu tư theo hình thức PPP được Quốc hội thông qua, đoạn tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa có nhu cầu vận tải lớn nhất. 

Thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, lưu lượng xe quy đổi tại đoạn Ninh Bình - Quốc lộ 45 có thể đạt 20.876 PCU/ngày đêm vào năm 2020 và 40.258 PCU/ngày đêm vào năm 2030; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đạt 16.692 PCU/ngày đêm vào năm 2020 và 34.566 PCU/ngày đêm vào năm 2030.

Tăng tốc tiến độ triển khai

Mặc dù vẫn cần phải làm rõ hơn khi thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, nhưng với bước nghiên cứu khả thi, phương án tài chính, hoàn vốn của 2 dự án cũng đã được nhận diện tương đối rõ.

Tại Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Ban quản lý dự án Thăng Long đề nghị phần vốn tham gia của Nhà nước là 5.005 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư tự huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại. Tại dự án này, phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 1.876 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nguồn vốn đầu tư BOT, bao gồm cả lãi vay. 

Với mức giá khởi điểm 1.500 đồng/PCU/km, lộ trình tăng giá 12%/3 năm, Dự án có thể hoàn vốn trong thời gian 18 năm.

Tại Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Ban quản lý dự án 2 đề nghị phần vốn nhà nước tham gia là 2.226,3 tỷ đồng, tương đương 31,9% tổng mức đầu tư; tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 1.016 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nguồn vốn đầu tư BOT, bao gồm cả lãi vay. 

Với mức giá khởi điểm 1.500 đồng/PCU/km; lộ trình tăng giá 12%/3 năm, Dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có thể hoàn vốn trong thời gian 21,9 năm.

Cần phải nói thêm rằng, mức lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng và khai thác của cả hai dự án tạm xác định là 7,86%/năm, lợi nhuận kỳ vọng vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm.

Theo đề xuất của hai ban quản lý dự án, tiến độ và thời gian thực hiện 2 dự án như sau: duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi trong quý II/2018; thiết kế kỹ thuật từ quý III/2018 đến quý III/2019; giải phóng mặt bằng từ quý IV/2018 đến quý II/2021; lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy đăng ký chứng nhận nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và khởi công từ quý IV/2018 đến quý III/2021. Thời gian xây dựng trên thực địa 2 tuyến cao tốc này khoảng 30 tháng, bắt đầu từ ngày khởi công.

Được biết, để khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải vừa đề nghị Tỉnh ủy, UBND 13 tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua sớm thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh về triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

“Các cơ quan đơn vị có liên quan của địa phương cần phối hợp với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn rà soát các công trình, hạng mục được đề xuất xây dựng trong các dự án để tham mưu văn bản thống nhất về Báo cáo Nghiên cứu khả thi, tránh việc bổ sung, điều chỉnh sau này”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật đề nghị.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục