Thoát nghèo nhờ cây cam Bắc Kạn

(ĐTCK) Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình ở tỉnh miền núi Bắc Kạn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Vườn cam giúp gia đình ông Lưu Chấn Thụ (Bắc Kạn có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm Vườn cam giúp gia đình ông Lưu Chấn Thụ (Bắc Kạn có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Năm 1998, chị Cao Thị Xanh (SN 1976) lập gia đình, kế sinh nhai duy nhất là làm ruộng, trồng lúa. Hai đứa con lần lượt ra đời, trong cảnh khó khăn, làm không đủ ăn. Đã thế, năm 2001, bão lũ quét qua, cuốn trôi cả căn nhà, nhận chìm ruộng lúa. Hai vợ chồng chị thành trắng tay, cuộc sống chật vật.

Năm sau, chị Xanh làm hồ sơ đề nghị vay vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh Bắc Kạn. Số tiền vay chỉ 2 triệu đồng, nhưng vào thời điểm đó, là nguồn vốn quý giá, đủ để chị mua cây giống, trồng cây cam bản địa.

Từ đồng vốn nhỏ nhoi, với công chăm bón cần cù, hai vợ chồng chị tích lũy dần sau mỗi vụ cam. Năm 2013, gia đình chị vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 20 triệu để mở rộng diện tích trồng cam.

Hiện giờ gia đình chị có 1 ha trồng cam, quýt và 200 gốc cam đường canh cho thu nhập mỗi năm chừng 150 - 200 triệu đồng. Nhờ vào nguồn thu nhâp từ cây cam, gia đình chị đã xây được căn nhà khang trang vào năm 2015 với chi phí 500 triệu đồng.

Cũng như gia đình chị Xanh, nhiều hộ gia đình khác ở xã Quang Thuận đã thoát nghèo, làm giàu nhờ cây ăn quả có múi như cam, quýt. Chẳng hạn, hộ gia đình ông Lưu Chấn Thụ (thôn Nà Thoi), trước khi trồng cam gia đình ông cũng trồng cây lâm nghiệp như cây keo, cây mỡ nhưng thu nhập không được bao nhiêu.

Năm 1998, ông vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng 1 ha cam và quýt. Đến năm 2004 – 2005, gia đình ông tăng dần diện tích trồng cam, quýt và cho đến nay gia đình ông có 7 ha trồng cam, quýt.

Do trồng nhiều giai đoạn nên lượng thu hoạch không đồng đều, mùa cam năm nay có khoảng 4 ha cho sản lượng cao.

Ông Thụ cho biết, năm nay có mưa đá nên sản lượng không bằng năm ngoái, ước tính năm nay chỉ thu được khoảng 60 – 70 tấn cam. Tính chung, vườn cam sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Được biết, Bắc Kạn là một tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, độ dốc cao, nhiều sông, suối. Hàng năm, người dân Bắc Kạn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ thiên tai như hạn hán, lũ lụt, lốc, lũ quét, các đợt rét đậm, rét hại, dịch bệnh... Điều này đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của người dân.

Hiện, Bắc Kạn có  2/7 huyện là huyện nghèo, có 81/122 xã phường thuộc vùng khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn. Trong số 77.200 hộ, có tới 20.809 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 26,61%, có 10.114 hộ cận nghèo (tỷ lệ 12,93%) và 67.561 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 87,51%.

Những năm gần đây, nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư, hoàn thiện và đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tính đến 30/6/2018, Ngân hàng đã cho vay 1.818 tỷ đồng, tăng hơn 25,8 tỷ đồng so với 31/12/2017, tốc độ tăng trưởng 1,44%, đạt 24,20% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao. Hiện số hộ còn dư nợ là hơn 45.000 hộ.

Tính chung, trong 15 năm hoạt động, chi nhánh đã cho 242.218 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 4.442 tỷ đồng.

Các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Qua đó, có 13.484 dự án thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm và thu hút được 16.250 lao động có công ăn việc làm ổn định; 2.275 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ Ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 6.516 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống...

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,1%/năm, hộ cận nghèo giảm 1,81%/năm.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục