'Nồi cơm tách đường là trò bịp bợm để bán hàng'

Nồi cơm tách đường đang được quảng cáo và rao bán trên Facebook, YouTube như giải pháp hiệu quả dành cho người mắc tiểu đường, mong muốn giảm cân.
Nồi cơm tách đường được quảng cáo rầm rộ trên Facebook, YouTube. Ảnh chụp màn hình. Nồi cơm tách đường được quảng cáo rầm rộ trên Facebook, YouTube. Ảnh chụp màn hình.

Với từ khóa "nồi cơm tách đường", chỉ trong 0,31 giây, Google cho ra 2,88 triệu kết quả. Cùng từ khóa này, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm trên Facebook, YouTube với hàng loạt video quảng cáo tác dụng, đến hướng dẫn cách dùng.

Đặc biệt, rất nhiều thương hiệu nồi cơm tách đường có xuất xứ Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản được rao bán.

Được quảng cáo có công năng đặc biệt, vì vậy, giá của những chiếc nồi này cũng đắt hơn so với các loại nồi cơm điện truyền thống.

Tại một số siêu thị điện máy, chúng được rao bán với giá 4-6 triệu đồng. Trên Facebook, một số tài khoản còn rao bán loại nồi có xuất xứ của Đài Loan có giá rẻ nhất là 2,6 triệu, trong khi loại nồi của Malaysia có giá gần 15 triệu.

Nồi cơm điện tách đường được quảng cáo như "thần dược" trên Facebook, YouTube

Trên YouTube, nồi cơm tách đường được mô tả tốt cho người bị bệnh tiểu đường, giảm lượng đường trong máu, không béo phì, không tăng cân. Nguyên lý hoạt động của nồi cơm này gồm 4 bước, cụ thể:

- Gia nhiệt: Khi gạo được nấu trong môi trường nước với nhiệt độ vừa phải nhất, giúp loại bỏ nhiều nhất lượng đường từ tinh bột xấu mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng của cơm.

- Phân tách hoàn toàn tự động: Giúp kiểm soát được nhiệt độ, làm giảm lượng Amylopectin tự phân tách ra khỏi từng hạt gạo và vẫn giữ được hàm lượng Amylose trong gạo.

- Loại bỏ nhờ hệ thống thoát nước thông minh được tích hợp trong nồi cơm điện tách đường sẽ tự động loại bỏ và ngăn hoàn toàn nước và tất cả tinh bột tiêu hóa nhanh trở lại vào cơm.

- Làm chín gạo và tạo ra phần thơm ngon và an toàn cho người dùng.

Để tăng uy tín đối với người sử dụng, một số video còn quảng cáo sản phẩm là kết quả nghiên cứu, được các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa, Hà Nội công nhận.

Lời quảng cáo "có cánh" trên đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường, ăn kiêng. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua về loại nồi được khẳng định là tốt cho sức khỏe này.

Tác dụng thật sự của nồi cơm tách đường

Trước những quảng cáo rầm rộ trên mạng, bác sĩ Phan Quốc Sỹ, khoa Nội khoa - Tiểu đường (Bệnh viện Bạch Mai), bức xúc: “Tôi xin bác bỏ trò lừa bịp này của những kẻ lợi dụng lòng tin của mọi người để bán hàng vô bổ trục lợi”.

Chuyên gia này phân tích cơm chín hoặc bánh mì chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào cơ thể, đường sẽ được các men tiêu hóa như amylase... thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động.

Nếu tách và loại đường trong tinh bột, không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể. "Thật là hoang đường khi nói có thể loại hoặc tách gluxit trong cái được gọi là 'nồi cơm điện tách đường' này”, chuyên gia chia sẻ.

'Nồi cơm tách đường là trò bịp bợm để bán hàng' ảnh 1

Theo các chuyên gia, nồi cơm tách đường không có tác dụng như quảng cáo. Ảnh chụp màn hình.

TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, cũng cho biết bản thân không tin vào sự thần kỳ của chiếc nồi này. “Về chiếc nồi cơm tách đường có 2 vấn đề cần phải nói rõ.

Thứ nhất, như tôi biết nồi đó không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác. Thứ 2, khi nấu, giả sử do bốc hơi hay ‘rút nước đáy’ làm mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác, vậy ăn cơm này làm gì”, chuyên gia thẳng thắn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khẳng định loại nồi này không có tác dụng như quảng cáo.

Ông cho biết nước cơm là loại nước chứa nhiều chất dinh dưỡng, rất bổ ích. Từ xa xưa, khi chưa có sữa, các mẹ thường lấy nước cơm để cho trẻ ăn, rất bổ dưỡng. Với nồi cơm tách đường, nguyên lý hoạt động là cho nhiều nước vào gạo hơn bình thường.

Nhờ nguyên lý gạn nước mà lượng đường lẫn trong nước gạo sẽ được tách riêng ra khỏi cơm để chảy vào một ngăn chứa, đổ đi. Theo đó, việc gạt bỏ loại nước này sẽ bỏ phí nguồn dinh dưỡng quý. Bên cạnh đó, trong gạo có hàm lượng đường rất ít, khoảng 0,4% đường, thành phần tinh bột là chính.

“Theo quảng cáo, nồi cơm điện tách đường tách được khoảng 20-30% lượng đường trong gạo. Như vậy, 30% của 0,4% lượng đường trong gạo là một con số rất ít. Như vậy, nồi cơm này chỉ tách được lượng đường không đáng kể, không đáng để quảng cáo và mua về sử dụng”, PGS Thịnh nói.

Về việc nồi cơm điện tách đường được quảng cáo là kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS Lương Hồng Nga, giảng viên của viện, cho hay nhóm nghiên cứu vừa thực hiện đề tài "Đánh giá tính năng sản phẩm nồi cơm tách đường Homely”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều loại nồi cơm điện tách đường đang được bán trên thị trường. Trong đó, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích và đánh giá các chỉ tiêu dinh dưỡng và cơ lý của cơm nấu bằng nồi cơm điện thường và nồi cơm tách đường Homely.

Với tư cách chủ nhiệm đề tài, PGS Nga cho biết kết quả trên chỉ có ý nghĩa về mặt thống kê. "Nhóm nghiên cứu đề xuất cần xác định chỉ số đường huyết (GI) của cơm nấu bằng nồi cơm điện tách đường và tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên các loại gạo khác (gạo nếp, gạo xát dối, gạo Nhật…) để có được đánh giá tổng thể về hiệu quả của nồi cơm điện tách đường đối với người sử dụng và đặc biệt đối với những người mặc bệnh tiểu đường", PGS Nga cho biết.

Về việc người dân bỏ tiền triệu để mua loại nồi cơm tách đường đang được quảng cáo rầm rộ, PGS Nga cũng khuyến cáo: "Người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo khi cho rằng nồi cơm điện tách đường là 'cứu cánh' đối với người mắc bệnh tiểu đường do chưa đủ cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng có hiệu quả tích cực".


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục