Nghiện du lịch nằm trong danh sách những hội chứng đáng lo ngại

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", càng đi nhiều, kiến thức càng mở mang. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã cảnh báo đi du lịch có thể trở thành một chứng nghiện và gây hại.
Hầu hết người nghiện du lịch đều không có biểu hiện của bệnh tâm thần "dromomania”. Ảnh:Wondertravellers. Hầu hết người nghiện du lịch đều không có biểu hiện của bệnh tâm thần "dromomania”. Ảnh:Wondertravellers.

Kể từ khi sáng tạo ra bản đồ, con người đã có nghĩa vụ phải lấp đầy những khoảng trống trên đó. Khao khát khám phá vùng đất bí ẩn nằm ngoài những đỉnh núi xa xôi, vượt khỏi đại dương rộng lớn hay vươn đến hành tinh khác là một phần không thể thiếu của nhân loại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những chuyến phiên lưu cũng có thể làm cho chúng ta thông minh hơn, hạnh phúc hơn và sáng tạo hơn.

Thế nhưng, với những chuyến phiêu lưu đem lại nhiều lợi ích như vậy, con người có thể thực hiện chúng một cách "quá liều" được không? Liệu bản năng mong muốn khám phá thế giới có thực sự trở thành một chứng nghiện hợp pháp?

Câu chuyện đầu tiên về chứng nghiện du lịch

“Câu trả lời ngắn gọn là có. Chứng nghiện du lịch hoàn toàn có khả năng xảy ra", tiến sĩ Michael Brein, nhà tâm lý xã hội học, người chuyên nghiên cứu về du lịch và giao tiếp liên văn hóa cho biết. “Tuy nhiên để biết được nguyên nhân gây ra điều đó quả thật vô cùng phức tạp”, ông nói thêm.

Nghi vấn trên lần đầu tiên xuất hiện và khiến các chuyên gia phải bối rối từ một câu chuyện lạ ở Pháp vào năm 1886. Theo đó, sau khi rời bỏ quân đội Pháp, Jean-Albert Dadas, người thợ sửa gas đã không ngừng đi bộ khắp châu Âu.

 Thành phố Bordeaux (Pháp), nơi Dadas đặt chân đến cuối cùng trước khi suy kiệt sức khỏe. Ảnh: Bordeaux_de_luxe.

Trong vòng 5 năm, Dadas đã ghé thăm Berlin (Đức), Prague (Czech), Moscow (Nga), Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) và hoàn toàn mất ký ức về chuyến đi của mình khi tới được Bordeaux (Pháp).

Vài tuần sau khi điều trị cho Dadas, các bác sĩ tâm thần nói rằng hành động du lịch cực đoan đó là triệu chứng của bệnh “dromomania".

Thuật ngữ “dromomania" hay còn gọi bệnh thần kinh "vagabond" chính thức được thêm vào sổ tay Chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần như một dạng rối loạn kiểm soát cảm xúc vào năm 2000.

Định nghĩa nêu rõ những người mắc bệnh có một sự xúc động bất thường khi đi du lịch. Họ sẵn sàng chi tiêu vượt quá khả năng của mình, hy sinh công việc, người yêu và sự an toàn cho ham muốn khám phá những trải nghiệm mới.

“Chứng nghiện du lịch thuộc về tâm lý hơn là về sinh lý”, tiến sĩ Brein cho hay. “Bất cứ thứ gì cũng vậy, nếu để nó lấn át bản thân, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn”.

Khái niệm mới về chứng nghiện du lịch gần đây 

Cũng theo vị tiến sĩ, không ai thực hiện chuyến hành trình tồi tệ tương tự kể từ khi câu chuyện của Dadas xảy ra. Tuy nhiên, khái niệm "dromomania" gần đây lại được nhắc đến như cách để mô tả và chẩn đoán một loại phiêu lưu mới: Những người du lịch cạnh tranh.

Động lực từ thời gian, tiền bạc và sự "thèm" phiêu lưu, những “nhà du lịch cạnh tranh” cống hiến cả cuộc đời họ để đi khắp mọi nơi. Thỉnh thoảng, họ được gọi là “người sưu tập các quốc gia” hoặc “người đánh dấu”.

Họ dường như đem thế giới vào một trò chơi ghép hình vô hạn với các tỉnh thành, khu vực, vùng lãnh thổ, đảo san hô, những ngọn núi lửa xa xôi và chạy đua đến các địa điểm khắp thế giới như cách mà người khác sưu tập tem thư.

Điều thúc đẩy những “nhà du lịch cạnh tranh” nghe có phần nghịch lý: Họ luôn có một nghĩa vụ là phải “biết” về thế giới và ghi điểm bằng các chuyến đi.

Ngày nay, những bảng xếp hạng như Những người du lịch nhiều nhất, hay Danh sách ISO của Shea có hơn 3.000 người đang đua nhau du lịch để dành được danh hiệu người du lịch nhiều nhất thế giới.

Điều này đã dẫn đến câu hỏi: "Nếu bạn quyết định sứ mệnh của cuộc đời mình là đi đến những thị trấn và lãnh địa hẻo lánh, tăm tối như Aargau (Thụy Điển), Zug (Thụy Sĩ)... điều đó sẽ giúp bạn am hiểu hơn về thế giới hay càng đẩy bạn ra xa thực tại?".

 Bảng thành tích du lịch cá nhân được ghi lại trên một trang web về du lịch. Ảnh:Mtp.travel.

"Tôi biết rất nhiều người như vậy. Họ không thể dừng lại. Họ sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả để đi du lịch. Chỉ cần nhìn vào danh sách, bạn có thể thấy rất nhiều người mất đi con cháu, gia tài và nhà cửa", ông Lee Abbamonte, người Mỹ trẻ tuổi nhất đi đến mọi đất nước ở tuổi 32 nói.

Ví dụ, John Clouse, một luật sư tập sự ở Indiana, Mỹ, từng giữ danh hiệu “Người đi du lịch nhiều nhất thế giới” trong cuốn sách Kỷ lục Guinnesstrước khi tổ chức này quyết định hạng mục này quá chủ quan và ngừng sử dụng.

Khi một đối thủ gần chạm đến kỷ lục của Clouse, anh đã tuyên bố, rằng: “Danh hiệu này đã lấy đi của tôi sáu cuộc hôn nhân và tôi không có ý định từ bỏ vị trí dẫn đầu của mình một cách dễ dàng!”.

Tiến sĩ Brein nói rằng ông biết nhiều người vô cùng tuyệt vọng khi cứ liên tục di chuyển như vậy, đến nỗi họ đã kết thúc cuộc đời trong các nhà tù ở nước ngoài sau khi tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp để kiếm tiền chi trả cho những chuyến đi.

Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ trong số những người du lịch mà ông từng tiếp xúc thực sự có dấu hiệu của chứng nghiện không kiểm soát được cảm xúc, biểu hiện gợi nhớ đến bệnh “dromomania”.

Vậy điều gì đang níu giữ những người nghiện du lịch còn lại khỏi việc "mất phanh" dẫn đến chứng bệnh nguy hiểm?

Nghiện du lịch hiện chỉ nhằm thỏa mãn cảm xúc cá nhân

“Một khi nhận ra rằng trải nghiệm du lịch là cực kỳ đáng giá và không giống bất cứ điều gì khác, bạn sẽ càng muốn tiếp tục làm điều đó”, tiến sĩ Brein nói.

“Du lịch hệt một chiếc kính vạn hoa với mỗi lượt quay là những cảnh vật, âm thanh và trải nghiệm mới. Việc khám phá thành công sự mới lạ này là cách tốt nhất để đạt được nhu cầu cấp cao hơn trong kim tự tháp Maslow”, Brein cho biết.

Kim tự tháp Maslow là mô hình thể hiện nhu cầu con người theo một trật tự nhất định với 5 thứ bậc từ thấp lên cao. Theo đó, hầu hết mọi người trong tiềm thức đều tổ chức cuộc sống hàng ngày của họ một cách dễ dàng để đạt được các nhu cầu cơ bản về an toàn và sinh tồn.

Nói cách khác, việc nghiện du lịch và 3,5 triệu hashtag #traveladdicts (người nghiện du lịch) trên mạng xã hội có vẻ như chỉ là một hành vi nhằm thỏa mãn cảm xúc cá nhân.

Càng duy trì các thói quen này lâu hơn, bạn sẽ ngày càng hạn chế các cơ hội phát triển tiềm năng của bản thân. Việc thoát khỏi môi trường cũ và thử thách bản thân sẽ khiến bạn phấn khích, có nhu cầu cần được công nhận và thể hiện mình.

Giải thích câu hỏi tại sao du lịch lại bổ ích và đặc biệt, phần lớn cho rằng những chuyến đi giúp mọi người giải thoát về cả thể chất lẫn tinh thần khỏi vòng quay thường nhật.

“Du lịch là một sự giải thoát nhưng nó không nên chỉ là sự giải thoát”, tiến sĩ Brein cảnh báo. Một khi du lịch trở thành thói quen thường lệ, mỗi chuyến đi càng ít cảm giác thú vị và bạn càng mong có thể trở về quê nhà.

Nếu bạn muốn bỏ công việc hiện tại, rời khỏi nhà và đi du lịch khắp nơi. Ý tưởng đó có thể dẫn đến một vết trượt dài điên rồ cho bạn.


Theo Zing

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục