Ngành điều dưỡng sẽ không bị mất phí khi sang Đức làm việc

Lao động Việt Nam sang Đức học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng sẽ không bị mất phí. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).     
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Mặc dù mới là dự án thí điểm, nhưng đã có hiện tượng một số đơn vị môi giới thông báo tuyển lao động ngành điều dưỡng sang làm việc tại Đức với mức phí hàng trăm triệu đồng. Cục có biện pháp nào để tránh cho người lao động bị lừa đảo?

Với mức lương 1.800 - 2.000 euro/tháng dành cho người lao động ngành điều dưỡng làm việc tại Đức, bởi vậy rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra từ 5.000 - 10.000 euro để sang làm việc tại thị trường này, dẫn tới dễ bị các công ty môi giới lừa đảo.

Mới đây, chúng tôi nhận được công hàm của Đại sứ quán Đức về việc đã có hiện tượng những tổ chức du học đưa một số người sang Đức học ngành điều dưỡng, thu tiền trái với Ý định thư đã ký giữa Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (quản lý nhân lực ngành y) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của Ý định thư có quy định về quyền lợi của ứng viên và chi phí (nếu có) chỉ là phí hành chính, tối đa 300 euro/người. 

Trước đó, chúng tôi đã phối hợp với công an làm việc với 1 trung tâm thông báo tuyển dụng điều dưỡng sang Đức, thu mức phí của người lao động là 110 triệu đồng. Chúng tôi cũng công khai Ý định thư đã ký giữa 2 bộ lên website để người lao động được biết.

Tuy nhiên, với những tổ chức lừa đảo bí mật thì chúng tôi rất khó phát hiện. Do đó, người lao động có ý định sang Đức làm việc chỉ nên nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước. Việc tuyển chọn hồ sơ và phỏng vấn sẽ được làm công khai, minh bạch, do đại diện phía Việt Nam và các chuyên gia của Đức trực tiếp phỏng vấn ứng viên.

Chúng tôi rất hy vọng người lao động nếu phát hiện đơn vị có dấu hiệu lừa đảo sẽ báo trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước để chúng tôi phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra và chấn chỉnh.

Đến nay đã có bao nhiêu học viên được thụ hưởng dự án thí điểm này?

Dự án thí điểm thứ nhất thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015, đào tạo điều dưỡng viên chăm sóc người già và dự án thí điểm thứ 2 bắt đầu từ năm 2016 - 2017, đào tạo điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện. Mỗi dự án được thực hiện 2 pha.

Dự án thứ nhất có pha 1 thực hiện từ năm 2013 và pha 2 thực hiện từ năm 2014. Tương tự, pha 1 và pha 2 cho dự án thứ 2 sẽ lần lượt được thực hiện từ năm 2016 và 2017. Mỗi pha sẽ tuyển chọn 125 ứng viên và đưa sang Đức 100 học viên để đào tạo ngành điều dưỡng. 

Pha đầu tiên của dự án thứ nhất đã có 100 học viên được học tập chuyên môn 2 năm tại CHLB Đức và tốt nghiệp với tỷ lệ 94/100 vào tháng 10/2015, 6 học viên còn lại sẽ được thi lại lần 2, trong trường hợp không đỗ bắt buộc phải trở về nước.

Tương tự dự án thứ 1, học viên của dự án thứ 2 sẽ được phía Chính phủ Đức tài trợ kinh phí học tập và ăn ở miễn phí, nhưng thời gian đào tạo tại Đức sẽ là 3 năm và 1 năm đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam.

Đức là thị trường đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho người Việt Nam sau dự án thí điểm?

Đức hiện có 2,3 triệu người già cần chăm sóc trong các trại dưỡng lão và bệnh viện, cùng sự thiếu hụt điều dưỡng viên chăm sóc người già vào khoảng 170.000 người, đang mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam thâm nhập thị trường này.

Chủ trương của CHLB Đức trước đây chỉ những công dân của các nước EU mới có thể làm việc tại Đức. Tuy nhiên, đứng trước lượng thiếu hụt lớn, khiến nước này bắt đầu thí điểm tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người già tại một số nước ngoài EU từ năm 2012. Năm 2013, Việt Nam được chọn làm thí điểm tiếp nhận học tập và chăm sóc người bệnh tại các trại dưỡng lão dựa trên bề dày hợp tác lao động từ năm 1990 ở các ngành khác nhau.

Nhân lực y tế là thị trường lao động đòi hỏi chất lượng cao, nên sang làm việc tại Đức, người lao động mặc dù đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành điều dưỡng tại Việt Nam, nhưng vẫn phải học tập để lấy chứng chỉ hành nghề tại Đức.

Tháng 10 năm ngoái, những học viên đầu tiên đã trải qua kỳ thực tập và bắt đầu đi làm việc. Mặc dù chưa có đánh giá cụ thể, nhưng 94 học viên này được các cơ sở dưỡng lão đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó học hỏi với nỗ lực lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng, làm căn cứ cho 2 bên tiếp tục thực hiện dự án thí điểm thứ 2 trong thời gian 2016 - 2017.

Hai dự án thí điểm này đang được đánh giá về mặt kinh tế, sẽ là căn cứ để các tập đoàn lấy làm căn cứ tuyển lao động ở diện rộng hơn.

Đơn cử, sau khi ký Ý định thư, Trung tâm Lao động ngoài nước và Công ty TNHH VIVANTES (Đức) đã ký bản hợp tác kéo dài 4 năm trong tuyển chọn và đào tạo điều dưỡng viên chăm sóc người già. Đây là dự án đầu tiên không dùng tiền của nhà nước.

Hải Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục