Giở thời gian theo từng tờ lịch

(ĐTCK) Chiều cuối năm, tới điểm hẹn trao đổi công việc với một luật sư, tôi mang theo một quyển lịch bàn năm 2019 của cơ quan để tặng anh. Cầm trên tay món quà tôi tặng, anh nói có cảm giác vui như được gặp một người quen cũ.
Giở thời gian theo từng tờ lịch

“Mùa tháng Chạp ngày qua sao quá vội Vệt nắng chiều còn luyến tiếc chưa tan

Hoa ướm nụ cũng vội vàng bung sắc 

Hương mùa xuân dường như đã ngập tràn

Ngày tháng Chạp tiễn đưa tờ lịch cuối

Khép thời gian trả lại với vô thường

Cuộn nỗi nhớ vo tròn thành ký ức

Mở lòng người cho hạnh phúc yêu thương”

(Chiều cuối năm, Tuấn Nguyễn)

Anh kể, chỉ hai năm trước thôi, văn phòng anh vẫn thường xuyên sử dụng quyển lịch bàn có gắn thêm phần “đuôi” như thế này. Anh chỉ vào phần sổ ghi chép gắn liền với quyển lịch. Những năm trước, kiểu lịch này rất được giới văn phòng ưa chuộng. Quyển lịch để trên bàn có thêm nhiệm vụ quan trọng là ghi chép thông tin, lên lịch công việc.

Vậy nhưng, có lần, thư ký văn phòng luật của anh quên cuốn sổ này, khiến một luật sư không tới dự buổi hòa giải cho khách hàng tại tòa án. “Bỏ lịch” là chuyện đại kỵ với những người chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý. Từ đó, mọi người trong văn phòng luật cũng hạn chế việc ghi chép vào quyển lịch để bàn và dần chuyển sang sử dụng phần mềm nhắc lịch trên điện thoại.

Công nghệ thông tin đang thay đổi nhiều thói quen làm việc, sinh hoạt của nhiều người. Những cuốn lịch, tờ lịch treo tường, hay để bàn giờ đây không còn là thứ duy nhất giúp người ta theo dõi thời gian. Vậy nên, cũng chẳng lấy làm khó hiểu khi những người như anh bạn luật sư thấy cuốn lịch bàn như một người bạn cũ.

Trước khi dùng phầm mềm nhắc lịch, có một thời cuốn lịch bàn như vậy đã giúp anh đánh dấu, theo dõi những dấu mốc quan trọng, nào là sắp lịch công việc, hẹn gặp với đối tác, bạn bè và cả những ngày kỷ niệm của cá nhân anh. 

Tôi còn nhớ những năm mình theo chân đám bạn trong xóm đánh pháo bằng đất giữa đường ở một làng quê nghèo, mỗi dịp Tết đến xuân về, bố tôi công tác ở Hà Nội thường mang về tờ lịch lơ thơ mấy trang mỏng tang mà đã thấy rất oách. Rồi những ngày theo mẹ đi chợ phiên ngày Tết, thấy gian hàng bán tranh ảnh, người ta xúm đông xúm đỏ ngắm nghía, nâng niu những quyển lịch block to hơn bàn tay in trên giấy xấu.   

Giở thời gian theo từng tờ lịch ảnh 1

Ðời sống kinh tế khấm khá hơn, những quyển lịch theo năm tháng hình như ngày càng dày hơn, to hơn, đẹp hơn và trang trọng hơn. Những quyển lịch bày bán trên kệ vẫn đủ mọi mẫu mã, hình dáng, từ lịch cỡ nhỏ, lịch cỡ vừa đến block lịch cao cấp, nhưng hình như không còn cảnh người dân chen chúc chọn mua lịch nữa.

Thực ra, cũng chẳng vì nhu cầu mua lịch Tết không còn, mà do ngày nay nhà nhà, người người đều có thể làm lịch. Như đã thành lệ, các cơ quan, doanh nghiệp cuối năm đặt in lịch độc quyền làm món quà tặng khách hàng, đối tác. Ý tưởng làm lịch từ đó cũng phong phú, đa dạng với đủ mọi chủ đề hấp dẫn, thú vị hơn rất nhiều như một tờ báo về học trò phát hành kèm bạn đọc lịch 2019 khổ lớn về Ðội tuyển bóng đá Việt Nam.

Ðơn vị lớn thì làm lịch block khổ to bản, cầu kỳ, thậm chí một ngân hàng thương mại lớn thông lệ hàng năm đều thuê đội ngũ lên ý tưởng, có studio riêng, chụp ảnh làm lịch Tết rất trang trọng. Ðơn vị nhỏ như một xưởng chuyên sản xuất răng của bạn tôi cũng chịu chi một khoản tiền để in quyển lịch để bàn nhỏ nhắn.

Có nơi ngoài những quyển lịch treo tường block cao cấp còn đính kèm quyển lịch nhỏ được thiết kế như quyển sổ tay rất tiện dụng. Những quyển lịch dù to hay nhỏ, đơn giản hay cầu kỳ lúc này lại mang chung một nhiệm vụ là lan tỏa thông điệp của mỗi đơn vị cơ quan, doanh nghiệp.

Và khi những cơn gió mùa đem hơi lạnh tê tái tràn khắp miền Bắc, khắp phố phường Hà Nội vang vang bài hát về Giáng sinh là lúc người ta mang tặng nhau những cuốn lịch mới tươi tắn.

Nói về cái lệ tặng lịch, cũng nhiều điều đáng ngẫm. Có những doanh nghiệp do phải gửi tặng lịch đến nhiều nơi với quyển lịch block dày cộp, cồng kềnh thường chọn cách gửi lịch thông qua bưu điện.

Người nhận chẳng vì thế mà phiền lòng khi nhận một món quà trang trọng; thế nhưng có những cơ quan cử nhân viên đến gặp từng khách hàng, đối tác để tặng. Ðiều này thể hiện tính chỉn chu, tận tình gửi gắm đến từng khách hàng, đối tác. Những cuộc gặp chớp nhoáng thêm thắt vài câu chuyện hỏi han thân tình dường như giúp thắt chặt thêm mối quan hệ trong những ngày cuối năm bộn bề.

Trong vài năm gần đây, những quyển lịch dường như không còn chỉ có một chức năng duy nhất là nhắc lịch hay ghi chép, nhà xuất bản còn lên ý tưởng về những quyển lịch tăng cường giáo dục cho trẻ nhỏ như quyển lịch 365 ngày yêu thương, là công cụ giúp cha mẹ xây dựng kiến thức và hành động tử tế, lòng tốt và tình yêu thương mỗi ngày cho con trẻ. Hoặc như có quyển lịch, đơn vị sản xuất không chỉ đơn giản in ngày, tháng hay vài thông tin về thời tiết mà còn đưa văn hóa dân gian, văn học vào từng trang lịch treo tường.

Công nghệ số sẽ dần hiện hữu nhiều hơn trong cuộc sống của mỗi người. Như những chiếc điện thoại smartphone ngày càng có công cụ tiên tiến, tiện ích hơn, giúp lên lịch cho chúng ta từng giờ, từng phút nhưng cảm giác xé tờ lịch ngày cũ không có công nghệ nào thay thế được.

Cũng như việc trong mỗi gia đình Việt luôn có một thói quen cố hữu là treo một quyển lịch tường ở nơi trang trọng trong phòng khách ấm cúng. Ðó cũng là cách mà người xưa, người nay gìn giữ những phong vị Tết cổ truyền như bánh chưng xanh, câu đối đỏ, dưa hành… Hay như cách anh bạn tôi, một cây bút của báo làng cười nhưng có tâm sự cứ nặng lòng với những cái ngày xưa:

“Thật lòng, tôi không thích Tết nay giống Tết xưa. Tết xưa khổ quá, trẻ con nhà nghèo biết gì đâu, cứ Tết là vui phát cuồng, đến nỗi giờ vẫn mơ về Tết xưa, mà ít khi chịu nghe bố mẹ kể lại thời đó lo Tết thế nào. Nhưng tôi ước gì Tết xưa quay lại một lần.

Ðể tôi thấy bà ngoại nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên khi tôi nói không thích ăn na, vì dù đang mùa thu mà thày tôi đã dặn cây na nhà bà chỉ còn 3 quả thôi đấy, bà còn bán để mua thứ khác, sắp Tết rồi.

Ðể tôi thấy bà nội tôi trời se lạnh phải ngồi trong nhà nhìn ra cửa sáng, bà nhìn không rõ nên hỏi rất to: Chứ đứa nào đấy bay? Ðể tôi thấy thày tôi đếm từng nụ hoa hồng gai, thấy mẹ tôi còn mạnh khỏe, thấy mấy anh chị hàng xóm sang nhà tôi than thở sắp Tết rồi đấy chú dì ạ.

Các anh chị xóm tôi dù không anh em vẫn gọi bố mẹ tôi là chú dì chứ không phải chú o như phong tục, mới biết tình làng xóm những gia đình xung quanh nhà tôi thế nào”…

Ðỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục