Giải cứu lòng tin

(ĐTCK) Thiên tai, dịch bệnh có thể khiến các chỉ số kinh tế năm 2020 suy giảm, nhưng nó sẽ làm cho mỗi cá nhân (và Nhà nước) bản lĩnh hơn, tình người ấm lên như điệu ví dặm xứ Nghệ: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”.
Giải cứu lòng tin

Giải cứu hàng nhái

Tôi còn nhớ lần đầu tiên chung cư tôi chung tay giải cứu đó là vào tháng 2 vừa qua, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, nông sản như dưa hấu, thanh long không thể xuất khẩu được. Vậy là những người dân quê Bình Thuận và Long An ở chung cư tôi lên group cư dân nhờ giải cứu nông sản cho quê hương và gia đình mình.

Cũng vì thương những người nông dân và hoàn cảnh người thân của hàng xóm trong chung cư, mà 1.229 căn hộ trong chung cư hầu như mỗi người ai cũng mua vài cân dưa, vài cân thanh long với giá hỗ trợ.

Cứ tưởng chỉ giải cứu dưa và thanh long thôi, nhưng từ tháng 3 tới nay, nhiều dòng thông tin nhờ giải cứu được đăng lên trên group cư dân hơn. Nào là nhà có đàn vịt 500 con, vì dịch bệnh nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên không bán được, nhờ bà con giải cứu giúp. Rồi tới nhà có đàn chim cút, trứng cút cần giải cứu, tới nhà có vườn chuối, rau cần giải cứu… và tất cả những gì ở quê đều được đăng lên với mác giải cứu.

Chuyện giải cứu chẳng có gì đặc biệt, nhưng tới khi câu chuyện giải cứu hàng “nhái” được lộ ra, thì những thành viên tích cực giải cứu những ngày qua ở chung cư tôi bắt đầu ngán ngẩm. Có thành viên ngán ngẩm: “Tôi đã hơn 50 tuổi rồi nhưng cuối cùng vẫn bị lừa để giải cứu hàng đểu”.

Chuyện là, một người trong chung cư kêu gọi giải cứu tôm hùm của gia đình nuôi ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa không thể bán được, giá bán là 700.000 đồng/kg. Mọi người tin tưởng, cứ nghĩ giá tôm hùm như vậy là rẻ và giải cứu giúp hàng xóm. Thế nhưng sau đó, mọi người phát hiện, tôm mà cô hàng xóm đang bán là tô hùm xanh, loại tôm hùn này có giá bán chỉ khoảng 450.000 đồng/kg, chứ không phải tôm hùm đen giá hơn 1 triệu đồng/kg. Tính ra, thời gian qua mọi người đã phải mua đồ giải cứu mắc hơn giá trị thực.

Rồi tới chim cút giải cứu cũng bị phát hiện ra đây là chim cút già, bị bệnh dịch được thịt rồi làm sạch, được cư dân nọ gắn mác giải cứu để bán.

Vậy là từ một thông điệp tốt đẹp, vô tình đã thành nơi những người có ý đồ xấu lợi dụng để buôn gian bán lận. Tôi gọi họ là những “con buôn” thời dịch bệnh.

Có lẽ, những con buôn này nghĩ không ai biết đường đi của những đồ nông, hải sản đểu mà họ mua rồi bán cho người dân thế nào? Họ nghĩ rằng, cứ tôm hùm, chim chút gắn mác giải cứu thì không ai tới tận nơi nuôi trồng để tìm ra sự thật. Nhưng họ không biết rằng, ở một chung cư có tới hơn 1.000 căn hộ, thì cũng sẽ có những người rành về kiến thức thực phẩm và có thể bóc mẽ họ.

Từ đó, cụm từ “giải cứu” đã không còn ở chung cư tôi, việc bán buôn cũng chậm dần, những người có gia đình ở quê đang quần quại với việc không thể bán được nông sản cũng không dám đăng nhờ giải cứu…

Giải cứu tình người

Từ ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng là lúc tình người và sự đoàn kết được thể hiện rõ ở khắp Việt Nam. Câu chuyện mấy ngày nay trên mặt báo về một cô chủ xóm trọ ở Bình Dương không lấy tiền thuê nhà 2 tháng với toàn bộ hơn 40 phòng trọ, hay một ông chủ đại lý vé số tại Cần Thơ tặng tiền cho người bán vé số để họ có thể sống qua 15 ngày không có vé số bán vì lệnh của Chính phủ ngưng bán vé số 15 ngày là những câu chuyện cảm động.

Ở TP.HCM nơi tôi đang sống, nhiều người dân bỏ tiềm mua hàng trăm thùng mì tôn để trước của nhà với tấm biển có thông điệp: “Nếu bạn thực sự cần hay lấy 1 phần, còn không thực sự cần hãy nhường lại cho người cần”.

Bà hàng xóm thấy vậy liền đi mua vài trăm quả trứng vịt rồi để bên cạnh đống thùng mì và làm thêm cái biển: “Lấy thêm trứng vịt về ăn với mì tôm”…

Đó là những hình ảnh thật đẹp, thể hiện sự đoàn kết của người dân lúc khó khăn, hoạn nạn. Đúng như câu ca dao mà hồi nhỏ ai cũng được nghe: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Thế nhưng, những tấm lòng thơm thảo, tử tế đó cũng bị một số người cơ hội trục lợi. Khi đang đứng ngắm những thùng mì được người bán vé số, ông chạy xe xích lô, xe ôm lấy, vô tình tôi nhìn thấy cả cảnh người phụ nữ chạy xe máy tay ga, mặc đồ đẹp tới lấy thùng mì, bịch trứng rồi phóng đi. Những người này có lẽ không túng thiếu tới nỗi không đủ tiền mua bữa cơm tử tế, nhường những thùng mì cho người thực sự cần!?

TS. Nguyễn Ngọc Hiền, giảng viên Khoa xã hội học, Trường đại học Mở TP.HCM cho rằng, Covid-19 đang thử thách sự bền bỉ, tính thích nghi của không chỉ Nhà nước, mà còn cả người dân Việt Nam.

Theo ông Hiền, ở góc độ xã hội, luôn có người muốn làm điều tử tế và cũng có không ít kẻ chọn làm người cơ hội để trục lợi ở những điều tử tế đó.

Sau khi nghe câu chuyện tại chung cư tôi, ông Hiền cho rằng, đó là những kẻ cơ hội, mà những kẻ cơ hội thì không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và bị đào thải ra khối vững chắc mang tên xã hội tốt đẹp.

Ông Hiền kể cho tôi câu chuyện về điều tử tế mùa dịch bệnh, đó là mới đây tại tỉnh Bình Dương, người đàn ông ở tỉnh Cà Mau lên Bình Dương phụ bán quán nước để kiếm sống qua ngày, nhưng vì dịch bệnh, quán nước đóng cửa, anh thất nghiệp và không có tiền ăn.

Qua nhà em gái mượn tiền ăn, nhưng em gái cũng không có tiền cho anh mượn, thế là anh về phòng trọ nghĩ quẩn rồi tự tử. Nhà nghèo nên cũng không có đủ tiền để đưa thi thể về quê lo hậu sự, vậy là người dân trọ quanh đó, trong đó có những người bán vé số, những người phụ hồ hay công nhân thất nghiệp vì dịch, đã chung tay mỗi người vài đồng để góp lại cho gia đình anh có khoản tiền đưa anh về quê lo hậu sự.

“Người ta có nghĩ quẩn vì không có cái gì ăn, nhưng ở nhiều nơi, khi phát đồ ăn từ thiện, những người đủ đầy vẫn đứng đợi để lấy phần đồ từ thiện, trong khi đó những người cần thực sự thì họ lại không thể nhận được thùng mì tôm, ổ bánh mì để họ được sống qua ngày”, TS. Hiền nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục