Đưa con gái về nhà chồng!

(ĐTCK) Con gái dù đã lớn lắm rồi, nhưng các bậc phụ huynh vẫn luôn coi là đứa con bé bỏng của mình như thời còn nhỏ. Và rồi đôi khi, con gái của bạn lại đau lòng vì người đàn ông khác!
ảnh: Shutterstock ảnh: Shutterstock

1. Bữa hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của người anh đồng nghiệp. Chúng tôi không có nhiều liên lạc từ sau khi tôi chuyển sang cơ quan khác. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trên mạng xã hội, vẫn thấy anh và bà xã vào trò chuyện, bàn luận các câu chuyện dư luận đang quan tâm.

Tin nhắn của anh không phải đột ngột với tôi, nhưng nội dung tin nhắn thì khá bất ngờ. Anh nói cần mượn chút tiền để lo trang trải gia đình, hiện nay đang phải trả người ta món nợ gấp. Tôi quá ngạc nhiên, không phải vì cách anh mượn tiền hay số tiền, vì đó không phải là con số cần nhiều sự suy nghĩ, mà vì được biết hơn 1 năm trước, vợ chồng anh vừa bán được miếng đất dưới quê. 600 triệu đồng thu về được vợ anh chia sẻ rằng, đã có thể yên tâm với cuộc sống ổn định về già.

Anh chị đều đã nghỉ làm nhiều năm, lại vì lý do nào đó trước đây không theo trình tự để nhận lương hưu, nên đến giờ, mọi sinh hoạt trong gia đình phụ thuộc vào việc đi làm thêm của anh trong cơ quan cũ. Có tiền bán đất gửi ở ngân hàng, dù tiền lãi không quá nhiều, nhưng cũng đủ để vợ chồng già sống đời thư thái.

Nhưng, mọi sự đảo lộn vì cô con gái duy nhất. Ngày trước, đi tới đâu anh cũng giới thiệu “ái nữ” của mình. Mà thiệt lạ, vợ chồng anh đều sáng láng mặt mũi, mà cô con gái vừa đen, vừa mập, 2 má sẩn đầy mụn trứng cá và các đường nét trên khuôn mặt không thanh tú chút nào.

Vợ chồng anh yêu chiều con và luôn tự hào rằng, dù chỉ có cô con gái duy nhất nhưng cô bé là người ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành và nghe lời ba mẹ. Năm 26 tuổi, cô quen một anh sửa chữa điện máy gần nhà. Anh này cao ráo đẹp trai, đứng bên cạnh vợ nhìn rất không tương xứng. Nhưng duyên số làm sao mà họ lại nên vợ nên chồng. Cặp đôi sinh ra cậu con trai rất kháu khỉnh. Cả nhà sống quần tụ với nhau hạnh phúc.

Cách nay 2 năm, cô con gái và con rể xin ra ở riêng. Cặp đôi chuyển xuống Bình Dương làm ăn, mở cửa tiệm sửa chữa điện máy. Cậu con trai vẫn được ông bà ngoại chăm nuôi chu đáo, trở thành niềm vui hàng ngày của người lớn tuổi. Sau khi anh chị bán miếng đất, tháng nào cô con gái cũng xin tiền ba mẹ để trả nợ. Thậm chí, cô còn nói đã đứng ra vay tiền nặng lãi, nên bị người ta dí quá trời nếu không có tiền trả ngay. Anh chị hỏi con gái vì sao phải vay tiền, cô không trả lời được. Tìm hiểu người này, người kia, anh chị mới biết con rể bài bạc, cá độ đá banh, nợ nần tứ tán khắp nơi.

Ngày cưới con gái, anh đã cầm tay con gái trao cho con rể, dặn dò nhiều thứ. Ba mẹ chỉ có cô con gái duy nhất, nếu con thấy không thể lo lắng được cho vợ con mình, thì hãy mang nó về lại cho ba mẹ. Cậu rể ngày đó chỉ biết gật đầu lia lịa, và giờ thì xúi vợ đứng ra kêu khó kêu khổ với ba mẹ để lấy sạch tiền dưỡng già của 2 ông bà già cho thỏa thú chơi của mình.

Nhưng nói thế nào, con gái của anh chị cũng không bỏ người chồng ấy, dù cô khóc lóc đau khổ rất nhiều. Chẳng biết có phải vì anh ta đẹp trai hay không!

2. Có rất nhiều người lớn tuổi, vẫn một lòng một dạ chạy theo lo cho con cái, khi con đã ở tuổi trưởng thành, biết tự lo cho bản thân. Nhiều cảnh đời bi kịch, khi cha mẹ đã bán sạch cửa nhà chia chác lo cho con, và các con thì đùn đẩy nhau nuôi nấng phụ huynh từng ngày.

Ông bà có câu: “Nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ sinh con ra, thì phải có trách nhiệm nuôi con - điều đó không cần bàn cãi. Nhưng nuôi con thế nào, lo cho con thế nào hợp lý, không phải ai cũng đủ sự tỉnh táo và đặt tình thương đúng chỗ. Lý do “nó là con mình, thì tiếc gì nữa” khiến cho rất nhiều con cái đã ở tuổi trung niên mà vẫn mang suy nghĩ của đứa trẻ.

Mới đây, anh bạn bác sĩ chuyên ngành lão khoa kể chuyện một bà mẹ 75 tuổi được cậu con trai đưa tới khám bệnh. Bà không có bệnh gì nghiêm trọng cả, nhưng lúc nào cũng lo lắng thái quá cho các con, dù đứa nào cũng là cha của mấy đứa trẻ con rồi. Đêm bà ngủ không ngon vì lo cho thằng Út không biết uống xỉn về có sao không. Ngày bà ăn không ngon vì mải điện thoại hỏi thằng Hai có về nhà kịp vào bữa tối không.

Bác sĩ hỏi chuyện xong, không kê toa thuốc gì cho bà, chỉ nói bà đừng lo gì nữa, hãy chăm sóc cho bản thân mình. Tụi nhỏ đã trưởng thành rồi, tự có trách nhiệm với cuộc đời. Hai tháng sau, bà lão quay lại, da dẻ hồng hào, tăng lên được vài ký.

Bà khoe đã nghe lời bác sĩ, “mặc kệ” con cái với cuộc sống của chúng nó, bà hàng ngày chỉ đi tập bơi, du lịch và mua sắm cùng nhóm bạn học ngày trước. Hay nhất rằng, các con sau khi được bà “mặc kệ”, thì lại sống nhẹ nhõm, thoải mái và vui vẻ hơn.

Vậy nên, không ai sống dùm ai được. Kể cả là các mối quan hệ ruột thịt trong gia đình. Con gái đi lấy chồng, con trai đi cưới vợ và các bậc phụ huynh hãy tận hưởng nốt quãng đời bình yên của mình, đừng biến bản thân là người giúp việc mãi mãi cho con cái! 


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục