Đặt ga tàu điện ngầm gần hồ Gươm là vi phạm Luật Di sản văn hóa

Đây là quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong văn bản gửi TP. Hà Nội đề nghị xây ga tàu điện ngầm C9 ra ngoài khu vực bảo vệ II của di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
 Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lý giải, việc thi công nhà ga C9 có thể tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu tại các vị trí xung quanh Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lý giải, việc thi công nhà ga C9 có thể tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu tại các vị trí xung quanh

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội về việc xây ga tàu điện ngầm C9 (thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 - đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) sẽ ảnh hưởng khu di tích và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút 36 m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách 1 m thì khi thi công sẽ phải đào đất, làm rào chắn, di dời toàn bộ cây xanh khu vực ven hồ. Khi công trình hoàn thành mới trả lại mặt bằng di tích, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hoá và sinh thái khu vực.

Việc thi công nhà ga có thể tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Tháp Bút là biểu tượng đặc sắc riêng có về truyền thống hiếu học và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đã đi vào tiềm thức của người dân. Chưa kể, việc xây ga ngầm cạnh hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm.

Vì vậy, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch tiếp tục đề nghị TP. Hà Nội điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hoá.

Theo thiết kế, ga ngầm C9 dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, kích thước dài 150 m, rộng hơn 21 m, sâu trên 17 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiều lần đề nghị tịnh tiến ga C9 về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng, ra xa hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Với bản thiết kế này, TP. Hà Nội nhiều lần khẳng định vị trí ga C9 không xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố cấu thành lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tháng 9/2019, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 đảm bảo đúng quy định pháp luật về di sản văn hoá.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăm Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, trong đó 9 km ngầm; dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng. Hiện tất cả các hạng mục tuyến và ga của dự án được phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, trừ vị trí ga ngầm C9 vẫn chưa được thống nhất. 

Nguyễn Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục