“Công nghiệp không khói”: Kênh đầu tư đầy triển vọng

(ĐTCK) Được mệnh danh là lĩnh vực “công nghiệp không khói”, ngành du lịch đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng nhanh qua từng năm. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó, đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy thương mại tự do tạo điều kiện phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
“Công nghiệp không khói”: Kênh đầu tư đầy triển vọng

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 ước đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016 (tương đương 2,9 triệu lượt khách). Trong đó: Khách đến bằng đường hàng không đạt 10,9 triệu lượt người, tăng 32,15; Khách đến bằng đường bộ đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 19,5%; Đến bằng đường biển đạt 258,8 nghìn lượt người, giảm 9,1%.

Lượng khách nội địa đạt hơn 73 triệu lượt, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp khách du lịch đạt 500.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 23 tỷ USD, đóng góp khoản 7,5% vào GDP Việt Nam 2017.

Mục tiêu dài hạn của Việt Nam đến năm 2020 có thể đón 20 triệu khách quốc tế. Đây là con số khá lớn khi đón một khối lượng khách tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm. Mục tiêu này đòi hỏi ngành du lịch phải có nhiều bước chuẩn bị bài bản và đồng bộ, không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô, cải tiến cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ mà còn thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thương hiệu du lịch tên tuổi trên thế giới.

Theo đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở phân khúc khách sạn cao cấp và khu nghỉ dưỡng (resort) chuẩn 4 - 5 sao khi tỷ lệ lắp đầy ở cả hai phân khúc đều tăng trong giai đoạn từ 2014 - 2016.

Phía Grant Thornton Việt Nam đánh giá, năm 2016 là thời điểm hồi phục của ngành khách sạn khi công suất phòng của khách sạn cao cấp tăng. Cùng với đà tăng của nhu cầu nghỉ dưỡng nội địa và lượng khách quốc tế đến Việt Nam, phân khúc này đang ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt dự án dự kiến ra mắt trong thời gian tới.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường này cũng vì thế tăng cao, hứa hẹn mở ra cơ hội đầu tư đầy triển vọng khi phần lớn các tập đoàn đang gia tăng hoạt động đầu tư theo hình thức chuỗi khách sạn để tạo vị thế lớn.

Mục tiêu dài hạn của Việt Nam đến năm 2020 có thể đón 20 triệu khách quốc tế

Cụ thể, thương hiệu Movenpick đang có những bước phát triển quản lý thêm 10 khách sạn thuộc chuỗi khách sạn 5 sao tại Việt Nam trong 5 năm tới, đồng thời đạt mốc 27 khách sạn đến 2020 tại thị trường châu Á.

Một tập đoàn khác là Hilton cũng đặt mục tiêu nâng sở hữu gấp 10 lần số khách sạn đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 5 năm. Tập đoàn này hiện có 4 khách sạn đang triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long.

Loạt dự án này sẽ tham gia thị trường khách sạn từ 2018-2020. Riêng thị trường TP.HCM sẽ có thêm 2500 phòng trong 3 năm tới.

Ở nhóm nhà đầu tư trong nước, Tập đoàn Mường Thanh hiện đang dẫn đầu về quy mô với chuỗi gần 50 khách sạn và dự án khách sạn trải dài khắp cả nước. Đại diện Tập đoàn này cũng từng chia sẻ về chiến lược tiếp tục xây dựng và mở rộng thị trường không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn từng bước “lấn sân” sang thị trường các nước trong khu vực.

Thành lập từ năm 2006, CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương (OCH) hiện đang sở hữu chuỗi khách sạn cao cấp mang thương hiệu Sunrise đạt tiêu chuẩn 5 sao và Star City Hotel đạt tiêu chuẩn 4 sao tại các thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Hội An, Hà Nội, Hạ Long. Ngoài ra, công ty còn sở hữu 2 thương hiệu thực phẩm uy tín là bánh Givral và kem Tràng Tiền.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH) hiện đang sở hữu hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và thành phố Nha Trang, Khánh Hòa.

Các dự án chính có quy mô lớn là Đông Á 1, Đông Á 2, Đông Á Palaza, Núi Cốc Đông Á Resort tại Thái Nguyên và Prime Hotel & Spa ở Nha Trang. Bên cạnh đó, Công ty còn mở rộng và tham gia vào lĩnh vực tư vấn, thi công xây dựng và kinh doanh thương mại vật liệu xây dựng, bất động sản, siêu thị.

Sở hữu chuỗi hơn 20 khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị, khu vui chơi trải dài từ Nha Trang đến Cần Thơ , CTCP Du lịch Thành Thành Công (VNG) hiện đang mở rộng đầu tư tại một số trọng điểm du lịch như Đà Lạt, Cần Thơ, Bình Thuận.

Mục tiêu từ đây đến năm 2020, VNG sẽ phát triển thêm 9 dự án dịch vụ du lịch mang thương hiệu TTC.

Theo đó, từ năm 2014, VNG đã triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 15 khách sạn đạt chuẩn 4 sao với trên 1000 phòng lưu trú, đặc biệt trong đó có TTC Hotel Premium Nha Trang, trước đây có tên gọi khách sạn Michelia với công suất luôn đạt trên 90%, thu hút khách quốc tế và giới nghệ sĩ Việt Nam, TTC Hotel Premium Đà Lạt trước đây là Khách sạn Ngọc Lan nổi tiếng được khách du lịch trong nước lẫn quốc tế ưa thích, TTC Resort Premium Dốc Lết đang nâng cấp sửa chữa từ 3 sao lên 4 sao…

Bên cạnh lưu trú thì nhu cầu giải trí, thư giãn cũng cần được chú trọng bởi đây không chỉ là yếu tố thu hút du khách, hoàn thiện chuỗi dịch vụ du lịch mà còn góp phần tạo nguồn thu lớn.

Theo đó, VNG hiện đang đẩy mạnh phát triển 01 Trung tâm lữ hành với tên gọi TTC Travel, 02 Trung tâm hội nghị tại Bình Thuận và Bến Tre với sức chứa mỗi khu trên 1.600 khách; đồng thời đầu tư phát triển loại hình du lịch giải trí với các Khu vui chơi TTC World Thung lũng Tình Yêu tại Đà Lạt với tổng diện tích lên đến 140 ha và Khu du lịch Núi Tà Cú tại Phan Thiết.

Với hệ thống tích sản đã sở hữu trên 10 năm, VNG đang lên kế hoạch đầu tư thêm các khách sạn 4 đến 5 sao tại các trọng điểm du lịch như: Thừa Thiên Huế, Hội An, Phú Quốc, Bến Tre...

Phương Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục