Chống kẹt xe tại TP. HCM: Đất dành cho phát triển xe buýt bị cắt xén?

Tại một số quận, huyện của TP. HCM, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết xây dựng đã không cập nhật quỹ đất dành cho bến bãi hoặc thay đổi chức năng. Đặc biệt, một số vị trí quỹ đất có chức năng bến bãi phục vụ cho hoạt động của xe buýt được đưa vào danh mục đầu tư cũng bị thay đổi chức năng hoặc lồng ghép vào các dự án xây dựng khu đô thị.
Phương tiện di chuyển khó khăn qua cầu Bình Triệu vào trung tâm thành phố Phương tiện di chuyển khó khăn qua cầu Bình Triệu vào trung tâm thành phố

Vẽ ra con số trong mơ đối với hệ thống xe buýt

TP. HCM vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội về dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo đề án, xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng, với mục tiêu, đến năm 2030 thị phần vận tải hành khách công cộng thành phố đảm nhận từ 29,3 – 36,8% (năm 2018 chỉ hơn 9%), trong đó triển khai 17-18 tuyến mới/năm, tổng số phương tiện đạt 8.000-8.800 xe. 

Phát triển hệ thống xe buýt, bên cạnh việc sắp xếp, phân chia luồng tuyến, đầu tư phương tiện, việc quan trọng khác là ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và dành quỹ đất hợp lý để làm bến xe buýt, bãi kỹ thuật xe buýt, điểm giữ xe máy cho người dân đi xe buýt…

Đề án được xây dựng với mục tiêu và giải pháp kỹ thuật được cho là “rất đẹp” và ngành xe buýt sẽ nhận được nhiều ưu đãi để phát triển vượt bậc, nhằm thu hút người dân sử dụng loại phương tiện công cộng này. Song thực tế, riêng với quỹ đất để phát triển mạng lưới xe buýt cũng là bài toán nan giải với TP. HCM và đặt ra nhiều thách thức.

Một báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP. HCM về việc rà soát, quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trong năm 2018 đã chỉ ra nhiều bất cập, một số quận, huyện không “mặn mà” trong việc sử dụng quỹ đất phát triển mạng lưới xe buýt.

Quyết định số 568 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Theo quyết định này, tổng diện tích quy hoạch bến bãi là 1.145 ha nhưng thực tế đến cuối năm 2018, hệ thống bến bãi thành phố chỉ đạt được khoảng hơn 225 ha (khoảng 20% quy hoạch), còn thiếu hơn 900 ha.

Trong đó, TP.HCM bố trí 22 bến xe buýt gồm 11 bến xe buýt chính và 11 bến xe buýt khu vực với diện tích khoảng 30 ha. Cải tạo, xây dựng mới 17 bãi kỹ thuật cho xe buýt với diện tích khoảng 51 ha. Thực tế, thành phố chỉ đạt 9 bến xe buýt (với gần 8 ha), 8 bãi kỹ thuật xe buýt với hơn 8 ha.

Đất dành cho xe buýt bị xóa khỏi quy hoạch, đổi chức năng

Theo Sở GTVT Thành phố, với tỷ lệ bến bãi nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải hành khách công cộng và nhu cầu đỗ xe. Ngành xe buýt gặp khó khăn trong việc tổ chức phát triển mạng lưới tuyến, người dân khó tiếp cận hệ thống vận tải hành khách công cộng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công  cộng. 

Năm 2018, lượng hành khách sử dụng xe buýt không đạt chỉ tiêu mà ngành giao thông thành phố đặt ra 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức lập phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, một số quận, huyện đã thay đổi vị trí, quy mô so với quy hoạch chung, thậm chí không cập nhật quỹ đất dành cho bến bãi hoặc thay đổi chức năng bến bãi.

“Đặc biệt là một số vị trí quỹ đất có chức năng bến bãi phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được Sở GTVT Thành phố đưa vào danh mục đăng ký đầu tư công nhưng đã thay đổi quy hoạch thành chức năng khác hoặc lồng ghép vào các dự án xây dựng đô thị, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tổ chức nghiên cứu phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng”báo cáo Sở GTVT TP nêu rõ.

Tại quận 3, được xác lập lồng ghép trong quy hoạch chi tiết ga Hòa Hưng tuy nhiên quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) liên phường 9-13 quận 3 được UBND TP phê duyệt năm 2013 lại không bố trí bến xe buýt trong ga Hòa Hưng, do đó không có cơ sở để triển khai.

Tại quận 4, vị  trí dự án đầu tư xây dựng bến xe buýt đã nằm trong phạm vi của dự án khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội.

Theo quy hoạch chung xây dựng thì bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên cảng Tân Thuận (quận 7). Tuy nhiên, cảng Tân Thuận lại nằm trong nhóm nghiên cứu di dời sau năm 2020, tiến độ di dời cụ thể phụ thuộc vào thời điểm xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và tiến độ xây dựng cảng mới tại khu vực cảng Hiệp Phước, Nhà Bè. Do đó, việc đầu tư bến xe buýt cũng bị động, chưa thể triển khai.

Tại quận 12, quy hoạch chi tiết vị trí bến xe buýt nằm trong khuôn viên xí nghiệp xử lý chất thải, tuy nhiên xí nghiệp này cũng nằm trong kế hoạch di dời sau năm 2020.

Theo quy hoạch chung, bến xe buýt cũng được bố trí trong khuôn viên Đại học Quốc gia TPHCM, dọc theo xa lộ Hà Nội, trong khi quy hoạch của Đại học Quốc gia được phê duyệt, vị trí bến xe buýt này lại quy hoạch tại vị trí ngã 3 đường trục trung tâm và quốc lộ 1, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Cũng tại quận Thủ Đức, bãi đậu xe buýt tại phường Tam Bình – Hiệp Bình Phước với chức năng bãi kỹ thuật xe buýt nhưng quy hoạch chi tiết xây dựng có chức năng là đất cây xanh ven rạch. Quy hoạch chung các vị trí bãi đỗ xe ô tô, xe taxi thể hiện trên bản đồ, tuy nhiên trong quy hoạch chi tiết không xác lập.

Tại quận Tân Bình, các vị trí bãi kỹ thuật thể hiện đang sử dụng phục vụ hoạt động xe buýt, tuy nhiên quy hoạch chi tiết lại chuyển sang mục đích là đất giáo dục và đất ở chung cư.

Một điển hình thay đổi chức năng đất dành cho giao thông xảy ra tại huyện Hóc Môn, quy hoạch chi tiết lại chuyển đổi khu vực bãi kỹ thuật xe buýt Hợp tác xã 19/5 thành đất văn hóa. Còn huyện Bình Chánh chưa có thông tin quy hoạch chi tiết các vị trí quy hoạch bến bãi.

Theo dự thảo đề án, TPHCM sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào khu vực trung tâm thành phố từ năm 2030 

Trong vài năm qua, sản lượng vận tải hành khách công cộng liên tục giảm. Năm 2017 có dấu hiệu khởi sắc thì đến năm 2018 lại giảm. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, lượng hành khách sử dụng xe buýt phổ thông trợ giá đạt 199 triệu lượt (giảm 7% so với cùng kỳ) và chỉ đạt 82% kế hoạch đề ra (242 triệu lượt).

So với năm 2017, mạng lưới xe buýt giảm 7 tuyến (5 tuyến trợ giá là 37, 40, 60, 95, 149 và 2 tuyến không trợ giá 12, 49).

Những con số thống kê trên cho thấy việc duy trì sản lượng hành khách sử dụng phương tiện công cộng hiện gặp không ít khó khăn chứ đừng nói đến việc đạt những chỉ tiêu theo lộ trình có phần "ảo tưởng" do Sở GTVT đề ra.

Và khi những phương tiện vận tải công cộng như xe buýt không đảm trách được tỷ lệ lớn nhu cầu đi lại của người dân thì làm sao hạn chế xe cá nhân?


dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục