Chày Lập, khi tư nhân làm chủ và người dân bỗng mất nghèo

(ĐTCK) Thu nhập của nhiều người dân tại Quảng Bình được cải thiện nhờ sự chuyển đổi thành công từ mô hình hợp tác xã quản lý sang mô hình hoạt động của doanh nghiệp do tư nhân làm chủ.
Chày Lập sẽ đem lại khoảng 394.000 USD trong năm hoạt động đầu tiên theo mô hình tư nhân quản lý	
Chày Lập sẽ đem lại khoảng 394.000 USD trong năm hoạt động đầu tiên theo mô hình tư nhân quản lý

Chị Lê Thị Huế, 31 tuổi, thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, học hết cấp 2, do hoàn cảnh khó khăn không thể theo học tiếp, ở nhà phụ giúp gia đình và lấy chồng năm 19 tuổi. Chồng chị Huế, anh Võ Xuân Hải, 39 tuổi, cũng chỉ học hết cấp hai, sau đó ở nhà làm nông.

Gia đình anh chị có 5 sào ruộng, đất cằn chỉ trồng được lạc, ngô, năm nào được mùa thì 1 sào thu được 3 triệu, 1 năm tối đa được 2 mùa. Anh Hải cũng đi rừng giống như đa phần đàn ông sống quanh khu vực rừng Phong Nha, Kẻ Bàng, Quảng Bình, công việc nguy hiểm nhưng thu nhập rất bấp bênh. Dù rất cố gắng nhưng vợ chồng chị Huế cũng chỉ làm đủ ăn cho gia đình 6 người, gồm bố mẹ chồng, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ.

Khi Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được triển khai tại Quảng Bình, chị Huế đã tham gia lớp học chụp ảnh, được cấp  chứng chỉ và vào đội chụp ảnh tại động Thiên Đường, Quảng Bình từ năm 2012 đến tháng 6/2016. Sau đó, do lượng khách có nhu cầu chụp giảm, chị đã nghỉ việc.

Tuy vậy, chị Huế vẫn may mắn hơn so với hơn 200 hộ dân tại thôn Chày Lập bởi sau khi nghỉ công việc chụp ảnh, chị được nhận vào làm việc tại Làng Du lịch cộng đồng Chày Lập Farmstay ngay tại địa phương.

Nói là may mắn bởi không chỉ có việc làm, thu nhập của chị Huế đã tăng lên và ổn định hơn khi làm phụ bếp tại Chày Lập Farmstay.

Theo đó, chị làm việc theo ca, với mức lương 3,5 triệu/tháng kèm theo ăn ca. Chị được tham gia các khóa đào tạo của chuyên gia trong và ngoài nước của Chày Lập Farmstay để nâng cao tay nghề.

Đặc biệt, anh Hải, chồng chị Huế cũng được tuyển dụng làm công việc bảo trì tại đây với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Chày Lập, khi tư nhân làm chủ và người dân bỗng mất nghèo ảnh 1
Chày Lập, khi tư nhân làm chủ và người dân bỗng mất nghèo ảnh 2

 Vợ chồng anh Hải, chị Huế (ảnh: Việt Tuấn)

Ông Lê Thế Lực, Giám đốc Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông, ADB tại Quảng Bình chia sẻ, không riêng chị Huế, thu nhập của nhiều người dân nơi đây đã được cải thiện.

Có được kết quả này là nhờ sự chuyển đổi thành công từ mô hình hợp tác xã quản lý sang mô hình hoạt động của doanh nghiệp do tư nhân làm chủ.

Ông Lực cho biết, Chày Lập Farmstay là khu du lịch cộng đồng nằm ngay trên tuyến đường vào Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông, ADB và hợp tác xã địa phương hỗ trợ ban đầu vào năm 2011.

Mặc dù được Dự án hỗ trợ về kết nối, quảng bá, đào tạo… nhưng vì năng lực hạn chế, Hợp tác xã du lịch cộng đồng của địa phương vẫn không vận hành được khu du lịch. Do vậy, Hợp tác xã đã liên doanh với công ty du lịch lữ hành địa phương một thời gian.

Sau đó, do xảy ra xung đột về lợi ích nên Dự án quyết định đấu giá tài sản của khu du lịch và cuối cùng, Công ty lữ hành Oxalis đã trúng thầu với những điều kiện bắt buộc về tuyển dụng lao động tại chỗ và đóng góp cho ngân sách địa phương theo biểu đồ tăng dần.

Chày Lập, khi tư nhân làm chủ và người dân bỗng mất nghèo ảnh 3

 Chày Lập Farmstay là khu du lịch cộng đồng nằm ngay trên tuyến đường vào Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (ảnh: Việt Tuấn)

Ông Võ Xuân Thái, 68 tuổi, nguyên Trưởng ban Cộng đồng, Chủ tịch Hợp tác xã du lịch cộng đồng của địa phương cho biết, trước khi Công ty lữ hành Oxalis vận hành Chày Lập Farmstay, trong số các thành viên của Hợp tác xã, người có thu nhập cao nhất cũng chỉ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, còn thấp nhất là 300 - 400.000 đồng/tháng.

Hiện tại, sau khi Oxalis đầu tư thêm khoảng 1,2 triệu USD để tăng công suất đón khách và nâng cấp chất lượng dịch vụ lên tương đương 4 - 5 sao, đến tháng 3/2016, Chày Lập Farmstay chính thức đi vào hoạt động với 27 phòng, tổng cộng 62 nhân viên phục vụ.

Theo ông Steven Schipani, cán bộ ADB phụ trách Dự án: “Với thu nhập ít nhất 166 USD mỗi tháng/người và sử dụng khoảng 60% thực phẩm có nguồn gốc từ địa phương, Chày Lập Farmstay đã đem lại khoảng 800.000 USD tiền lương hàng năm và 18.000 USD chi trả cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ước tính trong năm 2016, khoảng 5.000 khách tới thăm khu du lịch và 40% lưu trú tại Chày Lập sẽ đem lại khoảng 394.000 USD trong năm hoạt động đầu tiên theo mô hình tư nhân quản lý”.

Báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cho biết, kết quả tái cơ cấu DN tiến triển chậm và thiếu thực chất. Theo đó, mục tiêu tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 là kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các DN một cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt.

Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực nhà nước, trước hết là DN nhà nước; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân… Và có lẽ, mô hình chuyển đổi thành công từ sở hữu tập thể sang tư nhân làm chủ tại Làng Du lịch cộng đồng Chày Lập Farmstay được coi là một ví dụ thành công.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục