Bí quyết cân bằng cuộc sống

(ĐTCK) Có một con số mà ít người biết và để ý đến: Tỷ lệ những người bị căng thẳng trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang rất cao. Nhật Bản, một quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng cũng thuộc nhóm đứng đầu về con số tử vong do căng thẳng và áp lực.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Hàng năm có hơn 3.000 người Nhật tự tử, nhiều gấp 4 lần so với số người chết vì tan nạn giao thông. Tại Nhật Bản đã xuất hiện khái niệm chỉ những cái chết vì căng thẳng và áp lực: Karoshi. Tại Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phát triển GDP hàng đầu thế giới và là quốc gia đông dân nhất cũng có một từ để chỉ cái chết vì căng thẳng và áp lực: Quolaosi.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 23% số người tử vong ở Anh có liên quan đến công việc. Còn ở Việt Nam, theo khảo sát của chúng tôi, con số này là 26%. Khi bị căng thẳng, nếu không được chăm sóc, chữa trị thì có thể kéo dài thành bệnh và sẽ làm xuất hiện thêm một số chứng bệnh khác, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

 TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch CTCP Sách Thái Hà.

Cuộc sống hiện nay quá gấp gáp và tất cả chúng ta phải chịu những sức ép rất lớn, nhất là những ai đang gánh vác trên vai trọng trách được giao. Chính các nhà lãnh đạo là những người chịu sức ép lớn nhất. Và chính họ cũng có nguy cơ bị căng thẳng cao nhất. Rất nhiều người trong số họ có thể thành danh trên thương trường, nhưng lại mất cân bằng cuộc sống.

Nói về các nguyên nhân gây nên căng thẳng vì mất cân bằng trong cuộc sống, theo nghiên cứu của chúng tôi có một số nguyên nhân chính sau: Áp lực của công việc, mâu thuẫn với lãnh đạo cấp trên, không hài lòng với công việc, làm việc quá nhiều, sợ mất việc, mất chức…

Các sức ép từ doanh nghiệp, đối tác, khách hàng, cấp trên, cấp dưới, xã hội, pháp luật… luôn làm cho môi trường sống trở nên căng thẳng. Hầu hết những người gánh trên vai một trọng trách nào đó nhận thức ra vấn đề căng thẳng và luôn mong muốn tìm cách cân bằng cuộc sống của chính mình.

Nhiều nhà lãnh đạo hiện nay sử dụng các phương pháp như ăn uống, bia rượu hay giải khuây bằng các trò tiêu khiển... Thực ra đó không phải là những phương pháp tốt.

Vậy “phương thuốc” nào mang lại cuộc sống bình an và cân bằng cho mỗi nhà lãnh đạo và cho chính bạn? 

Tư duy tích cực

Những gì ta nói, làm và những cảm xúc của ta đều có nguồn gốc từ tâm trí của chính ta. Tất cả bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ. Suy nghĩ tích cực mang lại ích lợi cho chính bản thân và những người xung quanh. Bạn cần hiểu điều này và tập suy nghĩ với thái độ lạc quan, chấp nhận và khoan dung.

Khi đánh giá đồng nghiệp, cấp trên hay cấp dưới, không nên nhìn vào điểm yếu của họ mà nên tập trung vào những điểm mạnh và phẩm chất tốt đẹp.

Hãy tập trung khai thác mặt mạnh, năng lực, sở trường của đồng nghiệp và những người xung quanh, đồng thời khích lệ các phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người: lòng nhân từ và sự hợp tác, tình yêu thương và sự gần gũi, đoàn kết. Tư duy tích cực mang lại những cảm giác thư thái cho mình và cho người xung quanh, giúp cuộc sống dễ được cân bằng và tràn đầy năng lượng.

Ðơn giản hóa mọi vấn đề

Hàng ngày chúng ta thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, giải quyết rất nhiều vấn đề, ra nhiều quyết định ở các mức độ phức tạp khác nhau. Các sự cố cũng thường xảy ra hàng ngày.

Nếu không biết đơn giản hóa vấn đề thì cuộc sống sẽ luôn căng thẳng và mệt mỏi. Vì thế, nên luôn tâm niệm rằng, các “sự cố” là chuyện bình thường, mình đang có cơ hội tham gia các trò chơi thú vị. Mỗi khi gặp sự cố, bạn hãy nhủ lòng “rồi chuyện này cũng sẽ qua”. 

Không nên làm việc quá sức

Chúng ta không nên tham việc mà nên làm việc vừa phải, hợp với sức của mình. Những việc nào có thể giao được thì nên giao bớt cho người khác. Cá nhân tôi có quan điểm, nếu có việc nào đó người khác làm tốt hơn mình thì hãy để họ làm. Tôi luôn cảm thấy thanh thản khi mở ra không gian cho người khác và cho chính mình.

Ðể làm việc hiệu quả, nguyên tắc tiếp theo là nên biết phân bổ thời gian để không bị quá tải trong công việc. Nếu công việc quá nhiều thì sẽ khó có những phút giây sống cho chính mình. Cùng với đó, nếu bạn quá bận bịu, công việc sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể ra những quyết định sai lầm.

Chính điều này sẽ làm tăng căng thẳng cho bạn. Việc chia sẻ công việc và tin tưởng ở người được giao (kể cả những cháu bé) còn mang đến cho mỗi người nhiều thời gian hơn và quan trọng là tạo ra sự gắn bó trong tập thể, trong gia đình.

Nghỉ ngơi và thư giãn

Chúng ta nên tập nghỉ ngơi và thư giãn. Nên dành mỗi ngày ít nhất 30 phút cho chính mình, không làm gì cả, chỉ ngồi chơi, theo dõi hơi thở, ngắm một bức tranh hay uống một ấm trà. Bạn nên thưởng cho mình những giây phút đắm chìm trong sự bình an.

Khi quỹ thời gian thư giãn ep hẹp, ta sẽ thấy các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo và có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi... Cảm giác không tốt cứ thế tích lũy dần và đến lúc ta có thể mất kiểm soát. Vì vậy, hãy chủ động với việc thư giãn, nên đọc sách hay nghe nhạc, nên dành thời gian vui chơi hoặc trò chuyện, tâm sự vui vẻ với gia đình và bạn thân.

Cân bằng các mối quan hệ

Không ít người vì quá tập trung vào công việc mà quên đi cuộc sống riêng tư. Mỗi chúng ta nên tập cân bằng giữa cơ quan và gia đình, giữa công việc và các mối quan hệ xã hội. Mối quan hệ với gia đình, bạn bè rất quan trọng.

Các chuyến về thăm quê hương, tổ tiên sẽ giúp cho chúng ta cân bằng cuộc sống. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, việc tham gia vào mọi công việc trong gia đình như dọn nhà, nấu cơm, rửa bát... là niềm vui giúp ta thư giãn và cân bằng mỗi ngày.

Biết thở đúng cách

Nghe có vẻ vô lý nhưng quả thật, hầu hết chúng ta đang thở một cách vô ý thức. Chúng ta không chú ý đến hơi thở và không quan tâm đến hơi thở. Thông thường, tất cả chúng ta thở quá nhanh và không sâu. Như vậy có thể cung cấp không đủ Ôxi cho cơ thể và bài tiết không tốt khí Cacbonic. Các chất độc có nguy cơ không được loại trừ ra khỏi cơ thể.

Nên thở sâu và chậm, thở nhẹ và đều. Ðiều này sẽ khiến cả thân thể và tâm trí được nghỉ ngơi và thư giãn. Mỗi ngày nên dành ra ít nhất 5 phút để tập thở sâu và thư giãn. Trước khi giải quyết một vấn đề hoặc khi gặp căng thẳng, bức xúc, hãy thở và theo dõi hơi thở. Khi tập thở nên ngồi trong tư thế thoải mái, ở nơi mà mình thích.

Sống với hiện tại

Nhiều bạn, nhất là các nhà lãnh đạo và doanh nhân, hay nghĩ về tương lai. Những người lớn tuổi lại hay nhớ và nuối tiếc quá khứ. Bạn hãy nhẹ nhàng nhắc mình nhớ rằng, quá khứ đã qua còn tương lai thì chưa đến. Hãy biết dành thời gian để tận hưởng những phút giây hiện tại. Cần biết tập trung cho những việc làm của hiện tại.

Chỉ có chú tâm vào hiện tại, công việc mới có hiệu quả. Thay vì quá lo lắng, bạn nên lập kế hoạch cho tương lai và thực hiện theo kế hoạch đó. Việc quá lo lắng cho tương lai hoặc suy nghĩ nhiều về quá khứ sẽ làm cho cuộc sống mất đi sự cân bằng.

Biết ơn và luôn mỉm cười

Hãy biết cảm ơn cuộc sống. Mỗi người chúng ta nên biết cảm ơn các đồng nghiệp, bạn bè, người quen và cả hàng xóm của mình. Là doanh nhân, doanh nghiệp, nên biết ơn các khách hàng và đối tác, người lao động, họ là những người thường xuyên làm việc với bạn. Cách đầu tiên để thể hiện lòng biết ơn là hãy tặng cho họ những… nụ cười. Nụ cười luôn giúp bạn và người đối diện được thư giãn, mang lại sự ấm áp và bình an.

Mới đây tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Mike George, chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo hàng đầu thế giới, tác giả của 8 cuốn sách bán chạy bậc nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của ông.

Khi trao đổi về hạnh phúc đối với người nghe, Mike George đã nói rằng, hạnh phúc là niềm vui lớn nhất đối với một con người, là niềm vui sâu sắc nhất của tâm hồn một con người.

Bí quyết để cân bằng cuộc sống, để có hạnh phúc đối với bất cứ ai thật đơn giản: “Làm sao ta có thể quan tâm, tôn trọng và yêu thương những người khác nếu ta không biết quan tâm, quý trọng và yêu thương chính mình”.

Mike George cũng chia sẻ với tôi rằng, nghệ thuật có hạnh phúc và cân bằng cuộc sống nằm ở việc chăm sóc bản thân của mỗi chúng ta ở 3 cấp: thân thể, tâm trí và tinh thần. Muốn có bình an và hạnh phúc, theo Mike George, chúng ta cần biết tôn trọng, biết giá trị và chăm sóc tốt nhất cho chính mình.

Ðến đây, hy vọng bạn đã tìm ra bí quyết để cân bằng cuộc sống của riêng mình để đón một năm mới thật trọn vẹn và bình an.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch CTCP Sách Thái Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục