Xã hội hóa quản lý, giám sát doanh nghiệp

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Xã hội hóa quản lý, giám sát doanh nghiệp

Đổi mới mô hình giám sát doanh nghiệp

Trên nguyên tắc đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật, tại đề án này, Chính phủ đã đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu để triển khai quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập một cách hiệu quả, trong đó, nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu là đổi mới mô hình giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác.

Để thực hiện giải pháp này, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc khớp nối, trao đổi trực tuyến thông tin về đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, quản lý thị trường, thuế, hải quan, thống kê, thanh tra… để làm công cụ quản lý, giám sát, xử lý vi phạm của doanh nghiệp.

Muốn vậy, cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách và nền tảng công nghệ thông tin để Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có đủ khả năng làm đầu mối cung cấp các thông tin pháp lý về đăng ký doanh nghiệp; xây dựng cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để công bố rộng rãi dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp ra cộng đồng theo quy định của pháp luật, nhằm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong các giao dịch về kinh tế, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, khuyến khích bên thứ ba tham gia vào quá trình giám sát doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện và minh bạch hóa quy trình tiếp nhận, xử lý thỏa đáng các khiếu nại, kiến nghị, yêu cầu của cộng đồng, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp… đối với hành vi của doanh nghiệp.

Xã hội hóa quản lý, giám sát doanh nghiệp ảnh 1

 Kinh tế khó khăn khiến số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh “mất tích” nhiều hơn

Tôn trọng quyền tự do kinh doanh

Đối với nhóm giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hệ thống khung pháp luật chung về doanh nghiệp theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường. Cụ thể, phải tổ chức xây dựng kịp thời các văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành để sau khi được thông qua, các văn bản pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, tránh tình trạng quy định pháp lý đã được ban hành mà không thực hiện được.

Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, hoàn thiện các các văn bản hướng dẫn về thành lập, tổ chức, quản lý nội bộ, giải thể và chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể dễ dàng gia nhập và rút khỏi thị trường. Đặc biệt là phải xây dựng cơ chế ban hành, kiểm soát các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Nhóm giải pháp cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến hoạt động quản lý doanh nghiệp là nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác đăng ký doanh nghiệp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tập trung hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tiến tới kết nối trực tuyến và chia sẻ đầy đủ dữ liệu pháp lý về doanh nghiệp từ cơ sở dữ liệu này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác; công bố rộng rãi và công khai các thông tin về đăng ký doanh nghiệp để mọi doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận được.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức của hệ thống các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp tại các cấp, các ngành, để vừa đảm bảo chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, vừa hạn chế được các hiện tượng phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Châu Anh
Châu Anh

Tin cùng chuyên mục