WTO đã tỏ ra đặc biệt quan ngại khi mà từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 10, 40 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới đã được các quốc gia G20 dựng lên nhằm ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa. Đây là con số lớn nhất mà WTO ghi nhận được kể từ năm 2012 khi tổ chức này bắt đầu theo dõi diễn biến của các biện pháp hạn chế nhập khẩu trên thế giới.
Như vậy, trung bình mỗi tháng các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa ra 8 biện pháp hạn chế nhập khẩu mới, trong đó có hàng rào thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, thuế xuất.
Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo leo thang căng thẳng thương mại đã là một mối đe dọa hiện hữu. Ông cho rằng nếu tình hình này còn tiếp diễn, các rủi ro kinh tế sẽ gia tăng, tác động tiềm tàng tới tăng trưởng, việc làm và giá tiêu dùng trên toàn thế giới.
Báo cáo của WTO dường như nhấn mạnh tới tác động của chính sách thương mại mang tính đối đầu của chính quyền đối với thương mại thế giới, trong đó, có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sắc thuế nhôm và thép mà Mỹ áp đối với nhiều quốc gia.
Trước đó, hôm 21/11, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã nhất trí xem xét khiếu nại của các nước liên quan tới các biện pháp thuế quan của Mỹ, cũng như khiếu nại của Washington về các biện pháp đáp trả. Ông Azevedo cho biết: “WTO đang làm mọi điều có thể để nỗ lực giảm leo thang tình hình, song việc tìm kiếm các giải pháp sẽ cần ý chí chính trị và cần vai trò dẫn dắt của G20”.