WTO: Tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể chậm lại thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00
Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của WTO cho thấy tăng trưởng thương mại có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy yếu.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Auckland, New Zealand, ngày 5/10. (Ảnh: THX/TTXVN) Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Auckland, New Zealand, ngày 5/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phong vũ biểu thương mại hàng hóa mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 28/11, cho thấy tăng trưởng thương mại có thể sẽ chậm lại trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy yếu.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, phong vũ biểu thương mại hàng hóa là một chỉ số tổng hợp hàng đầu cho thương mại thế giới, cung cấp thông tin theo thời gian thực về quỹ đạo của thương mại hàng hóa so với các xu hướng gần đây.

Các giá trị lớn hơn 100 báo hiệu xu hướng mở rộng trong khi các giá trị nhỏ hơn 100 cho thấy sự tăng trưởng dưới xu hướng. Chỉ số phong vũ biểu hiện tại là 96,2 thấp hơn cả giá trị cơ sở của chỉ số và chỉ số trước đó là 100.

Điều này phản ánh nhu cầu đối với hàng hóa giao dịch đang hạ nhiệt, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục bị tác động bởi những cơn gió ngược mạnh mẽ.

Sự suy giảm của phong vũ biểu hàng hóa phù hợp với dự báo thương mại của WTO hôm 5/10, trong đó dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa là 3,5% vào năm 2022 và 1,0% vào năm 2023 do một số cú sốc liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng cao và chính sách siết chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn.

Báo cáo của WTO cho biết thương mại hàng hóa trong quý 2 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 4,8% trong quý 1. Để dự báo trở thành hiện thực, tăng trưởng thương mại trong nửa cuối năm 2022 sẽ phải đạt trung bình khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Chỉ số phong vũ biểu hiện chịu sức ép bởi các chỉ số tiêu cực trong các chỉ số phụ đại diện cho đơn hàng xuất khẩu (91,7), vận tải hàng không (93,3) và linh kiện điện tử (91,0).

Điều này cho thấy tâm lý kinh doanh đang hạ nhiệt và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu yếu hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ là chỉ số sản phẩm ôtô (103,8), tăng trên xu hướng do doanh số bán xe mạnh hơn ở Mỹ và tăng xuất khẩu từ Nhật Bản khi điều kiện cung cấp được cải thiện và đồng yen Nhật Bản tiếp tục giảm giá.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục