WikiLeaks chuẩn bị “vạch lưng” một đại gia phố Wall

(ĐTCK-online) Khi mà trang web WikiLeaks đang công bố các tài liệu “nhạy cảm” liên quan tới ngành ngoại giao Mỹ chưa có hồi kết, thì các thông tin ban đầu cho thấy, ông chủ trang web này sẽ chuyển hướng tiết lộ “thông tin mật” tới phố Wall.
Julian Assange: người hùng phố Wall? Julian Assange: người hùng phố Wall?

Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks và cũng là “người hùng” gây tranh cãi, đã bắn tín hiệu cho thấy mục tiêu công bố hàng loạt thông tin “khủng” kế tiếp là phố Wall. Một gã khổng lồ trong ngành tài chính Mỹ rất có thể sẽ là “nạn nhân” kế tiếp trong năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Forbes, Assange cho biết, đầu năm tới, ông sẽ vạch trần sự tham nhũng tại một ngân hàng lớn trong một đợt công bố thông tin ồ ạt và điều này có thể dẫn tới sự sụp đổ của 1 hay 2 ngân hàng. Vụ tiết lộ về ngân hàng này có thể bao gồm hàng chục hoặc hàng trăm ngàn tài liệu.

“Bạn có thể gọi đó là tham nhũng mang tính hệ thống. Đó là các quy định khiến người ta lờ đi và ủng hộ cho những thông lệ trái với luân thường đạo lý. Hệ thống giám sát đã không làm việc, sự ưu đãi đối với các lãnh đạo và những suy nghĩ về những lợi ích riêng của họ”, Assange nói.

Theo Assange, các tiết lộ là có thể so sánh được với việc công bố các email trong nội bộ công ty trong vụ xì-căng-đan Enron trước đây. Các thông tin sẽ cho thấy một công ty được quản lý như thế nào.

“Nó sẽ cho thấy một sự thực bên trong là các giám đốc điều hành ứng xử theo cách mà sẽ dẫn tới các vụ điều tra và cải tổ. Sẽ có các vụ vi phạm trắng trợn, các thông lệ trái với luân thường đạo lý được tiết lộ”, Assange phát biểu.

Mặc dù Assange từ chối cung cấp thêm thông tin, nhưng những lời đồn đại, nghi ngờ đang xoáy vào Ngân hàng Bank of America, một trong số ngân hàng Mỹ không cần trợ giúp của Chính phủ trong cuộc khủng hoảng vừa qua, khi vào tháng 10/2009, Assange trả lời Tạp chí Computer World là WikiLeaks đang sở hữu 5GB thông tin về Bank of America từ ổ cứng của một giám đốc điều hành.

“Liệu Assange có thể làm phố Wall trở nên tệ như thế nào? Liệu WikiLeaks có thực sự làm sụp đổ một ngân hàng Mỹ? Câu trả lời có thể là không”, Halah Touryalai, một nhà phân tích trên phố Wall nhận định.

Liệu Assange có thể làm phố Wall trở nên tệ như thế nào? Liệu WikiLeaks có thực sự làm sụp đổ một ngân hàng Mỹ? Câu trả lời có thể là không.

Theo Touryalai, tình huống xấu nhất là có thể làm giá chứng khoán của ngân hàng đó giảm trong ngắn hạn, một hậu quả mà ngân hàng đang phải đối mặt do các lời đồn đoán hiện nay.

“Cho dù nước Mỹ sẵn sàng để một ngân hàng lớn sụp đổ, liệu bí mật nào của Assange lại có sức nặng hơn những căng thẳng về pháp lý và truyền thông mà ngân hàng này đã vượt qua trong suốt 2 năm qua?”, Touryalai nói.

Assange sẽ chẳng đạt được gì vì an ninh (tính an toàn) các ngân hàng đã được nâng cao rất nhiều. Nhờ hơn một thập kỷ đối mặt với các vụ kiện tụng, các ông chủ nhà băng hiểu rằng, họ sẽ không để bất cứ loại tài sản nào giảm giá trị mà họ không muốn chứng kiến.

Cho dù một số nhà băng có tài liệu nào đó được cho là mang yếu tố tội phạm, thì không ai, ngoài một số ít người được phép, được phép tiếp cận. Do đó, cũng như các vụ tiết lộ đình đám liên quan tới ngành ngoại giao Mỹ, Assange có thể cũng chỉ có một “nhúm bụi” gây ra sự lung túng cho ai đó, chứ thực sự không phải là những “đám khói” mù mịt.

Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng, Assange muốn tạo ra sự hỗn loạn và điều này thì phố Wall nên lo lắng. Một cựu lãnh đạo ngân hàng Mỹ cho biết, ông tin rằng có những thứ thông tin có thể gây ra sự phiền toái. “Với những cái gọi là bí mật kinh doanh, Assange sẽ tạo ra những cơn sóng như đợt khủng khoảng năm 2008 cho các thị trường tài chính”, ông này nói.

Việc công bố thông tin như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào? Lý tưởng mà nói, minh bạch thông tin hơn sẽ giúp tăng hiệu quả thị trường. Và rõ ràng, những gì gọi là tham nhũng được công bố, thị trường sẽ trừng phạt tổ chức đó.

Liệu Assange có thể gây ra sự sụp đổ hệ thống tài chính thế giới? Có thể, nếu như thông tin là đủ và tiết lộ được các vấn đề tài chính tiêu cực mà không được biết trước đó. Hoặc có thể là các tài liệu đó sẽ bị dính vào các vụ kiên tụng giữa các nhà đầu tư về những thương vụ giao dịch chứng khoán nghi ngờ trong thập kỷ trước.

Câu hỏi thú vị hơn là liệu những đe dọa hay công bố thật sẽ có ảnh hưởng mang tính phòng thủ đối với các hành vi nhà đầu tư thế nào? Ví dụ như, cuộc khủng hoảng tài chính liệu có khác đi nếu như mọi người đọc được các email hay tài liệu được viết bởi các nhà giao dịch trái phiếu cầm cố của Bear Stearns, Lehman Brothers hay Merrill Lynch trong thời kỳ thị trường nhà đất Mỹ bùng nổ?

Trong khi đó, Bank of America cho biết, họ không có thông tin là các tài liệu đó sẽ tập trung vào họ. Thực sự mà nói, có rất nhiều tranh luận về WikiLeaks, nhưng ảnh hưởng của những tiết lộ cho tới nay là rất nhỏ. Huýt sáo có thể tác động tới hành vi phạm pháp ngay lập tức, nhưng thách thức phố Wall có lẽ không có tác dụng nhiều lắm.


Nguyên Hưng (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục