WHO lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Balkan, Trung Âu

0:00 / 0:00
0:00
Theo Văn phòng WHO khu vực châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang trở nên "cấp bách" tại các địa phương từng đã rất thành công "trong việc kiểm soát dịch bệnh sáu tháng đầu năm 2020."
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN). Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/3 đã bày tỏ "đặc biệt quan ngại" về tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Balkan và Trung Âu, trong bối cảnh số trường hợp nhập viện và tử vong tại đây nằm trong nhóm cao nhất thế giới.

Theo Văn phòng WHO khu vực châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang trở nên "cấp bách" tại các địa phương từng đã rất thành công "trong việc kiểm soát dịch bệnh sáu tháng đầu năm 2020."

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Catherine Smallwood - cán bộ cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi đặc biệt lo lắng về tình hình dịch tễ học ở khu vực Balkan, cũng như tại nhiều quốc gia ở Trung Âu."

Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng của WHO tại khu vực châu Âu - ông Hans Kluge, cho rằng việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 hiện chưa đủ rộng khắp để có thể hạn chế lây lan trong khu vực.

Ông nhấn mạnh: "Các trường hợp mắc mới có xu hướng gia tăng và ngày một lan về phía Đông châu lục. Chúng tôi đã ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 gia tăng trong ba tuần liên tiếp."

Theo ông Kluge, riêng trong tuần trước châu Âu đã ghi nhận thêm hơn 1,2 triệu trường hợp mắc COVID-19.

Ông Kluge cũng cho biết trong khi nhiều quốc gia trên khắp châu Âu hiện vẫn đang trong tình trạng "phong tỏa toàn quốc hoàn toàn hoặc một phần," một số nước khác đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế xã hội dựa trên quan điểm rằng chiến dịch tiêm chủng "sẽ ngay lập tức giúp cải thiện đường cong dịch tễ."

Ông Kluge khẳng định tuy vaccine được coi là một công cụ giúp nhân loại mở ra lối thoát trước đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể trở lại trạng thái bình thường.

Trong một báo cáo ngày cùng ngày, Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) dự báo rằng ngành du lịch châu Âu có thể sẽ tiếp tục có một mùa Hè tổn thất, khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng và tiến độ tiêm chủng quá chậm chạp, đe dọa nghiêm trọng đến các nền kinh tế của Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Hồi năm ngoái, "Lục địa Già" đã có thể khôi phục một phần nhỏ hoạt động du lịch trong mùa Hè nhờ hiệu quả từ các lệnh hạn chế xã hội ngừa dịch COVID-19, cũng như khí hậu đã phần nào giúp giảm tốc độ lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Morgan Stanley, lĩnh vực du lịch sẽ "có thể chịu tác động một lần nữa trong năm nay, khi sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - dường như dễ lây lan và nguy hiểm hơn, đã thúc đẩy số ca bệnh gia tăng thời gian gần đây ở khu vực đồng euro, ví dụ ở Pháp và Italy."

Theo dự báo của Morgan Stanley, khu vực Nam Âu sẽ bị tác động nặng nề nhất do du lịch đóng góp tới 6% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của châu Âu và gần 8% số việc làm. Trong số này, những nước được dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất là Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp - những quốc gia vốn chủ yếu dựa vào doanh thu từ du lịch.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục