Ngày 15/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo những quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan nên đợi ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo.
Trong bản cập nhật chiến lược mới nhất, WHO cho rằng thế giới đang đứng trước “thời điểm then chốt" trong đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “tốc độ, quy mô và tính công bằng phải là những nguyên tắc chỉ đạo" khi quyết định biện pháp nào là cần thiết.
Mỗi quốc gia nên thực hiện các biện pháp y tế công khai toàn diện để duy trì ổn định số ca nhiễm ở mức thấp hoặc không có sự lây nhiễm nào, cũng như đảm bảo sẵn sàng ứng phó nhanh chóng để có thể kiểm soát dịch bệnh lây lan.
Trong bối cảnh một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và hướng tới khôi phục cuộc sống thường nhật, bản cập nhật của WHO cho rằng bất cứ bước đi nào cũng cần được tiến hành từng bước, và có thời gian để đánh giá tác động trước khi tiến hành các bước đi tiếp theo.
Theo WHO, để giảm nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, các biện pháp hạn chế nên được từng bước dỡ bỏ, dựa trên việc đánh giá các rủi ro dịch tễ và lợi ích kinh tế xã hội của quyết định dỡ bỏ này đối với các cơ sở làm việc khác nhau, các tổ chức giáo dục và các hoạt động xã hội.
WHO nhấn mạnh: “Lý tưởng nhất là sẽ có tối thiểu 2 tuần (tương ứng thời kỳ ủ bệnh COVID-19) giữa mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi, qua đó cho phép có đủ thời gian để nắm được nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới cũng như cách thức ứng phó phù hợp.”
WHO cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 trở lại và bùng phát vẫn còn.
WHO đưa ra khuyến cáo trên trong bối cảnh một số quốc gia đang bắt đầu lên kế hoạch dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp đặt tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch COVID-19 khởi phát hồi cuối năm ngoái.
Tại Mỹ, hiện có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ “ủy quyền” cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.
Trong khi đó, các nước châu Âu cũng đã bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cho phép một bộ phận người lao động trở lại làm việc để hồi sinh nền kinh tế đang “đóng băng” do dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp Tây Ban Nha, cả trong lĩnh vực xây dựng lẫn sản xuất, đã được phép nối lại hoạt động, dù các cửa hàng, quán bar và các địa điểm công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa ít nhất tới ngày 26/4.
Italy, quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới với 21.067 ca, vẫn duy trì một số hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển.
Trong khi đó, Đan Mạch, một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới, cũng cho phép các trường mầm non và trường tiểu học hoạt động trở lại từ ngày 15/4.
Nhiều người có mặt trong cuộc họp giữa Chính phủ Đức với chính quyền các địa phương của nước này cho hay Berlin sẽ xem xét nới lỏng các lệnh giới hạn đối với các cửa hàng, được đưa ra hồi tháng trước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ ngày 20/4, song kéo dài các biện pháp hạn chế đi lại cho đến ngày 3/5.
Tờ Bild của Đức ngày 15/4 cũng dẫn nguồn thạo tin cho hay Đức dự định sẽ kéo dài thêm 20 ngày các biện pháp kiểm soát biên giới được ban hành hồi tháng trước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ họp trực tuyến với lãnh đạo của 16 bang của Đức về việc liệu có nới lỏng các biện pháp hạn chế được đưa ra hồi tháng Ba hay không và nên nới lỏng như thế nào, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có nhiều chuyển biến tốt.
Trong số những vấn đề được đưa ra thảo luận là việc khi nào các trường học, cửa hàng và nhà máy có thể mở cửa trở lại, phương án bắt buộc người dân mang khẩu trang tại nơi công cộng và hiệu quả của việc sử dụng một ứng dụng trên điện thoại di động để phát hiện các ca lây nhiễm mới.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết bốn tuần đóng cửa các trường học, nhà máy và cửa hàng đã đem lại nhiều tiến triển, song cảnh báo dịch bệnh vẫn chưa được đẩy lùi và vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể trở lại cuộc sống bình thường tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Trong khi đó, các công ty và giới chính trị gia lại lo ngại về tác động kinh tế của việc đóng cửa lâu dài, dù chính phủ đã nỗ lực “chống sốc” cho nền kinh tế với một loạt các biện pháp, trong đó có gói kích thích trị giá 750 tỷ euro (822,23 tỷ USD).
Bộ Kinh tế Đức cho rằng kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái trong tháng Ba, và đà giảm tốc này có thể sẽ còn tiếp tục cho đến giữa năm nay.
Bộ này nhấn mạnh: "Nhu cầu toàn cầu sụt giảm, sự gián đoạn các chuỗi cung ứng, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự bất ổn trong giới đầu tư đang gây ảnh hưởng to lớn đến Đức.”
Bộ Kinh tế còn cho rằng kể cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, thì các hoạt động kinh tế sẽ vẫn ảm đạm và chỉ có thể phục hồi dần dần.
Bộ Lao động Đức ngày 15/4 cho biết tính đến ngày 13/4, khoảng 725.000 doanh nghiệp ở Đức đã nộp đơn xin rút ngắn thời gian làm việc, tăng gần 12% so với tuần trước.
Trước đó, WHO đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 do tiềm ẩn nguy cơ hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
WHO cũng khuyến cáo các nước không được chủ quan trước dấu hiệu chậm lại của dịch bệnh tại một số quốc gia, khẳng định "chúng ta chắc chắn vẫn chưa đến đỉnh dịch".