WEF ASEAN và Việt Nam - Hành trình đi cùng những ý tưởng thời đại (bài 4): Việt Nam và những điều kỳ diệu

Trong hành trình đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), Việt Nam không chỉ đi theo, mà có thể đi cùng với thế giới, để bàn về tương lai của nền kinh tế thế giới, tương lai của những cơ hội làm ăn, mô hình kinh doanh chưa từng có trong lịch sử loài người.
VBS 2018 với chủ đề Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo thu hút hơn 1.000 CEO toàn cầu và Việt Nam tham dự. Ảnh: TTXVN. VBS 2018 với chủ đề Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo thu hút hơn 1.000 CEO toàn cầu và Việt Nam tham dự. Ảnh: TTXVN.

Bài 4: Việt Nam và những điều kỳ diệu

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn thực hiện khát vọng thịnh vượng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ những điều kỳ diệu mà Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng xây dựng... 

Giấc mơ tỷ phú

Trong tà áo dài dung dị, với phần phát biểu truyền cảm, ẩn chứa nhiều tâm sự tại Hội nghị Thượng định kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo là một ấn tượng Việt Nam trong kỳ WEF ASEAN 2018 .

Trong giới kinh doanh toàn cầu, bà Thảo không xa lạ khi có tên trong Bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới của Forbes công bố năm 2018. Hàng dài người đề nghị chụp ảnh chung với bà trước giờ khai mạc và sau khi VBS 2018 kết thúc đã chứng minh điều này.

Nhưng, câu chuyện về một Vietjet Air làm thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi cả ngành kinh doanh hàng không ở Việt Nam, thậm chí không chỉ ở Việt Nam và giấc mơ dạy máy... biết cười mà bà đem đến sự kiện này đã truyền cảm hứng cho nhiều người, không chỉ các doanh nhân.

Vietjet Air được hình thành từ giấc mơ rất giản dị của những người sáng lập, đó là đem lại cơ hội bay cho mọi người, nhất là những người nghèo, những người chưa từng bước chân ra khỏi lũy tre làng.

Nhưng khi được thành lập vào năm 2007, thậm chí cho đến tận khi chuyến bay đầu tiên được thực hiện 5 năm sau đó, vào năm 2011, hãng hàng không này luôn là một dấu hỏi đầy nghi ngờ về sự thành công.

WEF ASEAN và Việt Nam - Hành trình đi cùng những ý tưởng thời đại (bài 4): Việt Nam và những điều kỳ diệu ảnh 1

CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. 

“Đừng tiết kiệm giấc mơ. Khi chúng tôi bắt đầu bay, mọi người phải mua vé bằng giấy, check-in thủ công, thủ tục thanh toán phức tạp... Còn giờ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là xong...

Con người, giấc mơ của con người làm thay đổi thế giới, chứ không phải công nghệ. Hãy mơ to lớn và biến giấc mơ thành hành động, mỗi ngày cùng với yêu cầu cao nhất về ứng dụng công nghệ”, bà Thảo nói khi kể câu chuyện của mình.

Nhìn lại sự lớn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sau 30 năm đổi mới, có thể nói, nếu không dám mơ lớn, họ sẽ không thể mang đến những điều thần kỳ làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam.

Những năm 1986, người kinh doanh bị gọi là tư thương với hàm ý miệt thị. Những năm 1990, lớp doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được đăng ký kinh doanh. Những năm 2000, người Việt xa xứ bắt đầu kể về những rung cảm của lần đầu bắt gặp sản phẩm made in Vietnam trên kệ hàng ở nước ngoài...

Và hiện tại, khi giới thiệu về những thành quả của nền kinh tế với giới kinh doanh toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lớn hàng loạt tên tuổi tập đoàn tư nhân lớn, như Viettel, FPT, VinGroup, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, Hòa Phát, Sovico, Thaco, Đất Việt...

Nhiều tập đoàn trong số đó là thành viên của WEF. Một số doanh nhân đã trở thành tỷ phú USD. Những giấc mơ đi tắt vào ngành công nghiệp ô tô, trở thành người dẫn đầu trong chuỗi sản xuất thực phẩm sạch, xanh... cũng đang gieo những hạt giống đầu tiên...

Còn bà Thảo đang có giấc mơ mới về một hãng hàng không phục vụ mọi nhu cầu tiêu dùng của hành khách, kết hợp e-commerce và các hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, logistics mà bà gọi là Consumer Airline.

Có vô vàn điều “không tưởng”

Cho đến giờ, CEO BrandBeats Lê Tấn Thanh Thịnh vẫn không biết chính xác vì sao mình có mặt trong nhóm 80 khởi nghiệp được chọn tham dự các cuộc đối thoại tại WEF ASEAN 2018. “Thay vì kể về mình, tôi đã kể cho họ về những tham vọng làm thay đổi cuộc sống với công nghệ mới. Có thể đó là lý do”, Thịnh nói.

Các start-up khi nộp đăng ký với WEF, họ phải trải qua phần phỏng vấn trực tuyến với một hội đồng tuyển chọn gồm đại diện các công ty tăng tốc khởi nghiệp, chuyên gia công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm... Việt Nam có 3 start-up được chọn.

Nhưng điều đó không quan trọng. Thịnh muốn kể nhiều về những người bạn mới trong nhóm start-up được chọn tham dự WEF ASEAN 2018, về tư duy lớn, về tương lai của edu-tech, về những mô hình kinh doanh được dự tính cho các bước đột phá của những khởi nghiệp đến từ Indonesia và Singapore, nơi đang nổi lên là trung tâm đổi mới - sáng tạo với hệ sinh thái khởi nghiệp đáng nể của khu vực, có thành viên đông đảo nhất được chọn tham dự WEF ASEAN kỳ này.

“Tôi tự tin vì giới khởi nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu lan tỏa tinh thần dám mơ lớn, nghĩ lớn thay vì kế hoạch có lợi nhuận trong 3 hay 5 năm. Có thể sẽ không thành công ngay, thậm chí là thất bại, nhưng hướng đi phải được xác định ngay từ đầu”, Thịnh chia sẻ bài học sau những cuộc làm việc đầy hứng khởi với giới khởi nghiệp, các nhà đầu tư và lãnh đạo các nền kinh tế ASEAN.

Năm 2015, Thịnh bỏ việc tại Tập đoàn Carlsberg Việt Nam, để trở thành đồng sáng lập BrandBeats Music Marketing. Đây là công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai kênh truyền thông qua âm nhạc.

Quyết định này xuất phát từ mong muốn đơn giản, là dùng âm nhạc tạo cảm xúc cho người xem, sao cho khán giả không tắt tivi hoặc chuyển kênh khi chương trình quảng cáo xuất hiện. Họ đang dần làm được điều đó.

Còn bây giờ, tham vọng của BrandBeats Music Marketing là thay đổi cách vận hành của ngành âm nhạc Việt Nam hiện đại. Và còn nhiều hơn nữa, khi  Thịnh đang là một giảng viên, diễn giả về khởi nghiệp...

Chưa nói trước được nhiều điều về những start-up đầy khát vọng của Việt Nam lúc này. Nhưng, đúng như góc nhìn của ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG – doanh nhân Việt xuất hiện đầu tiên ở vai trò diễn giả trong các phiên đối thoại tại WEF ASEAN 2018, cũng là người được ghi nhận có những câu trả lời hấp dẫn nhất trong “Diễn đàn mở ASEAN 4.0 cho mọi người”, tương lai 20 năm sau sẽ thuộc về những người trẻ hiện tại, họ có thể xây dựng doanh nghiệp tỷ USD ngay tại Việt Nam, khi dám thực hiện những điều không tưởng.

VNG cũng là... một điều không tưởng. Máy tính, Internet và những tiếng tạch tè của kết nối dial up đã đưa game thủ Lê Hồng Minh trở thành CEO của VNG vào năm 2004. Sau 14 năm, công ty được định giá hơn 47 triệu USD, đang tự đặt lên vai sứ mệnh phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt cùng với chiến lược Go Global...

Nhưng hiện tại, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, kết nối số... và những cuộc đua để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang đến những cơ hội khởi nghiệp, dư địa thị trường không giới hạn.

Phải nhắc tới lời chia sẻ của ông Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập và điều hành WEF với giới trẻ Việt Nam: “Khi tôi xuất bản lần đầu cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào năm 2016, fintech còn chưa rõ ràng”.

Có nghĩa là, vô vàn những điều kỳ diệu đang ở phía trước.

Tương lai Việt Nam

Tiếng vỗ tay kéo dài từ khán phòng kín chỗ của VBS 2018, khi Thủ tướng Chính phủ nói: “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó”.

Đây cũng chính là lý do mà ông Borger Brende, Chủ tịch WEF lý giải cho sự đông đảo nhất từ trước tới nay của giới doanh nhân tại WEF ASEAN.

Hơn 30 năm qua, thông điệp này đã kéo gần 26.000 doanh nghiệp FDI từ 130 quốc gia, nền kinh tế đến Việt Nam. Trong đó, đã có sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Intel, Nike...

Nhưng, với các doanh nghiệp Việt Nam, điều họ cảm nhận được từ thông điệp này còn lớn hơn. Đó là môi trường kinh doanh Việt Nam hội nhập với toàn cầu đủ điều kiện ươm mầm cho doanh nghiệp lớn lên, tạo niềm tin cho những người trẻ dám mơ và thực hiện những giấc mơ mang tính thời đại, tin vào những ý tưởng, sáng tạo sẽ trở thành những điều kỳ diệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nói: “Chính các doanh nghiệp sẽ định hình tương lai của nền kinh tế”. Nghĩa là họ đang nắm trong tay chìa khóa để Việt Nam có thể đi cùng, thậm chí có cơ hội đi trước các nước ASEAN và cả thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

“Có ước mơ tựa như cánh buồm chờ cơn gió vút lên!”. Đây là câu đầu tiên trong bài hát Tám chữ có của Lê Cát Trọng Lý, nhạc sỹ, ca sỹ trẻ xuất hiện trong Phiên bế mạc của WEF ASEAN 2018.

Những cơn gió lành đang thổi mạnh dân lên từ những giấc mơ hướng tới những điều kỳ diệu cho cuộc sống, cho nền kinh tế từ Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân...

"Doanh nghiệp cần thông minh hơn, hiệu quả hơn, minh bạch hơn"

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PWC Việt Nam

Dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp nên chuyển đổi hoạt động kinh doanh, để trở nên thông minh, hiệu quả, minh bạch hơn, có sức đề kháng tốt hơn trước rủi ro. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có công nghệ, con người có kỹ năng, cũng như một cấu trúc quản trị phù hợp.

Doanh nghiệp đi đầu trong quá trình này, Chính phủ phải tạo điều kiện cho sự thay đổi đó, đặc biệt là xây dựng thể chế, đào tạo và hạ tầng phục vụ kết nối kỹ thuật số.

"Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái cho các doanh nghiệp lớn mạnh"

Ông Borger Brende, Chủ tịch WEF

Nhìn vào các công ty toàn cầu, cách đây 20 năm, họ là những công ty nhỏ, như Google, thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa hình thành như Facebook. Đó là ví dụ để doanh nghiệp của Việt Nam tự tin.

Điều quan trọng, có tinh thần kinh doanh, giáo dục chất lượng tốt, môi trường cạnh tranh, những người trẻ sẽ biến doanh nghiệp nhỏ thành tên tuổi lớn.

Chúng tôi mong Việt Nam sẽ có hệ sinh thái thuận lợi để doanh nghiệp lớn lên.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục