WB: Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng

(ĐTCK) Theo WB, Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại.
Theo WB, bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4 năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ 14,17% (so với cùng kỳ) trong quý IV/2022 xuống 9,5% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023 – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này phản ánh sự chậm lại trong hoạt động kinh tế (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và bất động sản) cũng như môi trường lãi suất cao.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm cơ bản vào giữa tháng 3/2023 và thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, qua đó giúp nới lỏng các điều kiện tài chính trong nước.

“Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính”, Báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo WB, nền kinh tế Việt Nam giảm tốc, chỉ còn tăng trưởng 3,3% trong quý I/2023, so với mức 5,9% trong quý IV/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I (so với cùng kỳ) thấp thứ hai trong thập kỷ qua.

Tốc độ tăng trưởng thấp phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp (-0,4% so với cùng kỳ) trong quý I/2023, so với mức trung bình 5,3% (so với cùng kỳ) trong giai đoạn 2020-2022 và ảnh hưởng đến tăng trưởng (-0,1 điểm phần trăm đóng góp vào GDP).

Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu. Trong quý I/2023, các ngành dịch vụ tăng trưởng 6,8% (so với cùng kỳ) và đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào GDP. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% và đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong quý I/2023.

Đáng chú ý, theo WB, cam kết FDI giảm 40% so với cùng kỳ trong quý I/2023, quý thứ năm liên tiếp cam kết FDI giảm. Điều này phản ánh sự bất định gia tăng liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt các điều kiện tài chính để kiểm soát lạm phát ở các nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn FDI bắt đầu chậm lại trong quý I/2023 sau khi đạt kết quả khả quan trong năm 2022, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm.

Cụ thể, giải ngân cho quý I/2023 giảm 38% so với quý IV/2022 và giảm 2,3% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản vẫn là những ngành chính thu hút cam kết FDI, chiếm khoảng 80% tổng cam kết trong quý I/2023, tương đương với cơ cấu (tỷ trọng) các ngành thu hút FDI trong ba năm qua.

Điểm sáng được WB đề cập là điều khoản thương mại (hay tương quan chỉ giá xuất khẩu – nhập khẩu) được cải thiện 3,1% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023. Sự cải thiện này là do sự kết hợp giữa giá nhập khẩu giảm và giá xuất khẩu gần như đi ngang. Chỉ số giá nhập khẩu giảm 3,3% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023 trong khi chỉ số giá xuất khẩu giảm nhẹ 0,3% (so với cùng kỳ). Giá nhập khẩu tăng chậm hơn có thể do giá nhiên liệu, ví dụ như khí hóa lỏng và dầu mỏ tinh chế, giảm khoảng 2,3% (so với cùng kỳ).

Bất chấp sự sụt giảm chung trong quý I/2023, sản xuất công nghiệp (IPI) đã có những dấu hiệu cải thiện tạm thời trong tháng 3 năm 2023 khi tăng 9,4% (so với tháng trước), đối lập với mức giảm mạnh vào tháng 1 (-22,7% so với tháng trước, một phần do nghỉ Tết) và mức tăng trưởng yếu (3,5% so với tháng trước) vào tháng 2. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,9% (tháng/tháng) và 13,4% (so cùng kỳ) vào tháng 3 năm 2023. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ.

Về ngân sách nhà nước (NSNN), theo WB, NSNN tiếp tục thặng dư trong quý I/2023. Trong khi tổng thu NSNN tăng 1,3% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023, tổng chi NSNN danh nghĩa chỉ tăng 7,2% (so với cùng kỳ). Trong 3 tháng đầu năm 2023, Chính phủ thu 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% tổng dự toán thu, nhưng chi khoảng 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán. Chi thường xuyên trong quý I/2023 đạt 22,4% kế hoạch năm, trong khi chi đầu tư chỉ đạt 10,3% kế hoạch trong cùng kỳ. Giải ngân chi tiêu công chậm trong quý I không phải là điều bất thường, do một số các khoản đầu tư công vẫn đang chờ phân bổ ngân sách.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục