WB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng trở lại từ 2,58% năm 2021 lên 5,5% năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 kéo dài từ tháng 4/2021, làm chệch quá trình phục hồi trong quý III/2021. Và đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4 đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp.

Nội dung trên đã được bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ trong báo cáo "Điểm lại tháng 1/2022" với chủ đề Không còn thời gian để lãng phí.

Theo bà Dorsati Madani, dự trữ ngoại hối tăng khoảng 12,3 tỷ USD so với tháng 12/2020, nâng tổng dự trữ ngoại hối lên khoảng 107,7 tỷ USD (tương đương 3,7 tháng nhập khẩu) tính đến cuối tháng 09/2021.

Tuy nhiên, cán cân vãng lai thu hẹp từ thặng dư 4,6% GDP năm 2020 xuống thâm hụt ước tính khoảng 1,0% GDP năm 2021, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn xuất khẩu hàng hóa (26,2% - so cùng kỳ năm trước - so với 18,8% so cùng kỳ năm trước) trong khi xuất khẩu dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp hạn chế đi lại quốc tế.

“Sự xấu đi của cán cân vãng lai dự kiến sẽ được bù đắp bởi mức thặng dư lớn từ cán cân tài chính nhờ dòng vốn FDI mặc dù giảm nhẹ nhưng vẫn cho thấy khả năng chống chịu tốt và một lượng lớn dòng vốn ngắn hạn chảy vào nền kinh tế”, chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, theo Ngân hàng Thế giới, cung tiền và tín dụng được mở rộng nhanh chóng đã đảm bảo thanh khoản dồi dào, trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp, tuy nhiên, khu vực ngân hàng cần được theo dõi chặt chẽ do nợ xấu đang gia tăng.

Bà Dorsati Madani cho rằng, các biện pháp cho phép giãn thời gian trả nợ trong gói hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định doanh nghiệp đã trì hoãn việc ghi nhận nợ xấu và tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 4/2021 chưa được phản ánh đầy đủ. Ước tính sơ bộ, tỷ lệ nợ xấu trong quý II/2021 là 3,66%, nhưng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh có thể lên đến 7,21% nếu tính cả số nợ đã được tái cơ cấu có tiềm năng trở thành nợ xấu.

"Tình trạng dự phòng vốn mỏng và tỷ lệ bao phủ dự phòng khác nhau giữa các ngân hàng cho thấy một số ngân hàng có thể không có khả năng duy trì nợ xấu ở mức cao”, bà Dorsati Madani chia sẻ.

Theo Ngân hàng Thế giới, chính sách tài khóa thắt chặt được thực hiện trong phần lớn thời gian của năm 2021, dù dư địa tài khóa vẫn còn dồi dào. Tác động của cú sốc kinh tế trở nên nặng nề hơn do thiếu hỗ trợ hiệu quả bằng chính sách tài khóa trong phần lớn thời gian năm 2021. Đến tháng 11/2021, ngân sách dự kiến bội thu 120,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,2 tỷ USD). Kết quả này có thể được lý giải bằng một số yếu tố.

Cụ thể, bất chấp khủng hoảng, tổng thu ngân sách đến tháng 11/2021 đã vượt dự toán. Mặt khác, tổng chi ngân sách thấp hơn nhiều so với kết quả năm 2020; Đầu tư công triển khai chậm trong nửa đầu năm - vì là năm đầu tiên trong chu kỳ kế hoạch 5 năm - và còn bị ảnh hưởng đáng kể trong quý III do các biện pháp giãn cách xã hội; Chi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các quy định về tài chính công không cho phép linh hoạt điều chuyển ngân sách đến nơi cần nhất trong năm gặp khủng hoảng bất thường.

Ngoài ra, ứng phó của Chính phủ với đợt bùng phát dịch COVID-19 trong quý III/2021 và khủng hoảng sau đó vẫn tương đối khiêm tốn và manh mún về quy mô, trong khi dư địa tài khóa còn dồi dào.

Các cấp có thẩm quyền công bố một số gói hỗ trợ tài khóa tương đối nhỏ trong năm 2021 dành cho doanh nghiệp (vào tháng 4, tháng 9 và tháng 10), dành cho hộ gia đình và người lao động khu vực phi chính thức (vào tháng 7), tổng cộng bằng 2,5% GDP so với mức hỗ trợ 4,5% GDP trong năm 2020. Tuy nhiên, do những thách thức trong triển khai nên tổng mức hỗ trợ chỉ đạt khoảng 1,8% GDP, chủ yếu qua biện pháp gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm.

"Về cơ bản, chính sách tài khóa không hỗ trợ nhiều cho những đối tượng cần được hỗ trợ nhất và cũng chưa hỗ trợ tổng cầu. Trong khi đó, dư địa tài khóa để thực hiện còn nhiều khi mà tỷ lệ nợ công trên GDP năm 2021 chỉ khoảng 57,3%, thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công mới khoảng 68% GDP (tương đương 55% GDP đánh giá lại) đã được Quốc hội phê duyệt", chuyên gia Ngân hàng Thế giới bày tỏ.

Trong thời gian tới, theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bật tăng trở lại từ 2,58% năm 2021 lên 5,5% năm 2022 và sau đó ổn định về mức khoảng 6,5% dựa trên giả định đại dịch sẽ được kiểm soát cả trong nước và quốc tế.

Trong điều kiện như vậy, kết hợp với nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và dịch tễ, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi phần nào khi nhà đầu tư và người tiêu dùng củng cố niềm tin vào năm 2022.

Cùng với triển vọng ngắn hạn và trung hạn nêu trên, Ngân hàng Thế giới cho biết vẫn ẩn chứa một số rủi ro nghiêm trọng. Dịch COVID, bao gồm các biến thể như Omicron, có thể bùng phát trước khi vắc-xin được phủ trên diện rộng, buộc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực.

Bà Dorsati Madani nhấn mạnh: "Bên cạnh những bất định liên quan đến tương lai của đại dịch, các cấp có thẩm quyền cần tiến hành những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của rủi ro tài khóa, rủi ro xã hội và rủi ro ở khu vực tài chính".

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục