Chiều 4/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã tiếp ông Marcello de Moura Estevão Filho, Giám đốc toàn cầu Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới để trao đổi về những nội dung hợp tác song phương trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi tiếp, Giáo sư, Tiễn sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định thế giới đang thay đổi hàng ngày, nhất là vấn đề lạm phát ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia cũng như với Việt Nam.
Nhiều vấn đề phức tạp đang nảy sinh như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… gây khó khăn cho sự phát triển. Chính vì thế, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường hòa bình, để từ đó phát triển hài hòa, bền vững; đồng thời tăng cường trao trao đổi, đưa ra những thông điệp, sứ mệnh cho từng giai đoạn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết chính sách của Việt Nam là giải quyết tốt những vấn đề trước mắt như văn hóa, kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại… để tạo tiền đề giải quyết những vấn đề mang tính dài hạn.
Trong từng bước đi và chính sách của Việt Nam luôn đặt ra mục tiêu làm sao để đảm bảo an ninh, an sinh và sức khỏe cho người dân. Đây là vấn đề mà Việt Nam xác định cần phải có nguồn lực lớn và phải giải quyết được cả vấn đề xã hội chứ không chỉ đảm bảo phát triển kinh tế.
Ông Marcello de Moura Estevão Filho, Giám đốc toàn cầu Ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh những giải pháp đưa ra trong ngắn hạn để bình ổn nền kinh tế tại thời điểm hiện tại có thể làm xói mòn mục tiêu lâu dài.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có những giải pháp đem lại lợi ích cho cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, giúp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn, nhằm mục tiêu trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, có rất nhiều cách để phát triển nền kinh tế dài hạn theo hướng bền vững. Việt Nam đã có những hành động phù hợp cho các vấn đề hiện nay.
Đối với việc xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hợp tác với Việt Nam xây dựng báo cáo và sẽ nỗ lực tìm nguồn lực cần thiết để thực hiện nghiên cứu này trong thời gian tới.