Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng, WB tại Việt Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế ước tăng 5,5% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi 6 tháng đầu năm 2015 là 6,3%.
Sự giảm tốc này chủ yếu do hậu quả của đợt hạn nặng và xâm nhập mặn tại một số vùng sản xuất nông nghiệp chính, cũng như sản lượng công nghiệp tăng chậm do ngành khai khoáng tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh đó, dù kết quả thương mại vẫn khả quan, nhưng Việt Nam khó tránh được tác động tiêu cực từ môi trường kinh tế toàn cầu, cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu Việt Nam đã giảm xuống mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Bên cạnh đó, WB cho rằng, tình hình tài khóa đầu năm 2016 vẫn tiếp tục căng thẳng. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, con số ước thu ngân sách đến tháng 5/2016 đạt 39% kế hoạch năm. Cùng kỳ, tổng chi đạt 466 nghìn tỷ đồng (20,7 tỷ USD), tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tương đương 36,6% kế hoạch năm, trong đó chi thường xuyên tăng 5,1% và chi đầu tư tăng 4,2%. Kết quả là ngân sách thâm hụt 70 nghìn tỷ đồng (3,1 tỷ USD), tương đương 28% mức kế hoạch được Quốc hội đã phê duyệt. Đặc biệt, tổng nợ công Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.
“Việt Nam đang thực hiện cải cách DN nhà nước với tốc độ chậm rãi. Trong 4 tháng đầu năm 2016, 34 DN nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa nhưng đa số các thương vụ này chỉ bán số lượng ít cổ phiếu, nên có thể làm giảm hiệu quả mong muốn trong việc nâng cao hoạt động, cải thiện quản lý, chuyển giao công nghệ”, ông Sebastian Eckardt cho biết.
Triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhưng vẫn chịu nhiều tác động và rủi ro bất lợi. Năm 2016, WB dự báo GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6% với mức lạm phát cao hơn năm ngoái và cán cân thanh toán vãng lai sẽ thặng dư ở mức tối thiểu. Thâm hụt tài khóa ước tính ở mức cao, nhưng sẽ được siết lại theo kế hoạch củng cố tài khóa trung hạn của Chính phủ. Tuy nhiên, các dự báo cơ sở này đang chịu nhiều rủi ro bởi tình hình trong nước cũng như quốc tế. Kinh tế Mỹ và khu vực EU (sau sự kiện Brexit) tiếp tục yếu đi hoặc kinh tế Trung Quốc giảm mạnh hơn nữa sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam.
Ở trong nước, tiến độ cải cách cơ cấu nhằm nâng cao năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước cũng như tư nhân diễn ra chậm chạp sẽ ảnh hưởng đáng kể tới triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam. Ông Sebastian Eckardt cho biết, hoạt động trong khu vực ngân hàng đã có những tiến triển do điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, tuy nhiên, ở khía cạnh cải cách chưa có nhiều điểm mới để thông tin so với năm ngoái. Thực tế, mọi việc gần như cũ, quá trình xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng bị kéo dài, thậm chí dự phòng nợ xấu đang dần dần tăng lên, do đó, các ngân hàng cần tạo dựng vốn để xử lý nợ đọng.
“Ngân hàng cần có động thái mạnh mẽ để nâng cao khả năng chống chọi, giải quyết một phần nợ xấu và một số nợ xấu được chuyển sang VAMC chưa được xử lý triệt để. Cần quan tâm chặt chẽ đến tăng trưởng tín dụng bởi có thể gây ra vay nợ quá nhiều dẫn đến nợ xấu, trong khi đây là vấn đề còn tồn tại của thời kỳ trước trong hệ thống vẫn chưa giải quyết được”, ông Sebastian Eckardt nói.
Đặc biệt, WB cho rằng, Chính phủ cần phải có một kế hoạch củng cố tài khóa tốt nhằm hợp lý hóa, giảm nhu cầu sử dụng vốn ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi phí đi vay thương mại bằng cách tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư và cải thiện độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường vốn. Quyết tâm của Chính phủ về tăng cường kỷ cương ngân sách phải cân đối với các biện pháp cải cách, tạo khoảng đệm tài khóa nhằm đảm bảo các khoản đầu tư hạ tầng quan trọng và chi dịch vụ công. Do đó, cần nâng cao chất lượng các biện pháp điều chỉnh tài khóa, kể cả cân đối thu - chi và tăng cường tiết kiệm chi, thay vì cắt giảm các khoản chi và đầu tư thiếu tập trung.
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: “Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại trong năm 2016 nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Nhưng, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động”.