Thông qua dự án này, các doanh nghiệp công nghiệp sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới để đầu tư công nghệ hiệu quả năng lượng, và tối ưu hóa sản xuất, qua đó giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Với sự hỗ trợ của dự án, các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sẽ có thể chuẩn bị, đánh giá và thẩm định các dự án tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ tạo ra một hướng kinh doanh mới để các tổ chức tài chính cung cấp vốn vay cho các khoản đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, giúp các tổ chức này mở rộng các khoản cho vay về hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, WB cam kết hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong tương lai, và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là lựa chọn tốt nhất và rẻ nhất bởi vì nó sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới, đồng thời giảm ô nhiễm và giảm nhẹ rủi ro của biến đổi khí hậu.
“Nếu các chương trình và chính sách mạnh mẽ hơn được đưa ra, các doanh nghiệp cũng sẽ có động cơ để cắt giảm lãng phí năng lượng và áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng hơn”, ông Ousmane Dione nói.
Được biết, nguồn vốn vay của dự án sẽ được cung cấp cho các tổ chức tài chính tham gia dự án, sau đó các tổ chức này sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp vay lại để đầu tư cho các tiểu dự án tiết kiệm năng lượng.
Trong tổng số vốn 158 triệu USD của dự án, 100 triệu USD đến từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới - nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập trung bình, 1,7 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn quỹ của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo nhất. Phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, từ các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp công nghiệp tham gia vào dự án.