Đây là một thành tựu lớn của khu vực và có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở những nơi khác trong khu vực, 60% học sinh vẫn đang học tại các hệ thống nhà trường yếu và không được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.
Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương cho thấy, cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ ra cách các quốc gia trong khu vực sử dụng để cải thiện kết quả học tập của học sinh. Từ những bài học kinh nghiệm của các hệ thống giáo dục thành công trong khu vực, báo cáo đưa ra một loạt các đề xuất chính sách thiết thực để thúc đẩy học tập hướng đến trang bị cho học sinh các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản, cũng như các kỹ năng phức tạp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tương lai.
Ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia
“Đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em, bất kể nơi sinh ra ở đâu, không chỉ đơn thuần là một việc làm đúng đắn. Điều này còn là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh và là cách tốt nhất giúp ngăn chặn và đảo ngược sự gia tăng bất bình đẳng”, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho biết.
Khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng một phần tư tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.
Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỷ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
Hệ thống giáo dục của Việt Nam được WB đánh giá cao. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Ví dụ như ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực. Ở các quốc gia như Campuchia và Đông Timor, thậm chí có tới hơn một phần ba học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ, và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực. Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc (các tỉnh và thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.
Ông Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao về Giáo dục của Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Hiệu quả chính sách cho việc lựa chọn, thúc đẩy, và hỗ trợ giáo viên cũng như thực tiễn dạy học ở nhà trường là yếu tố quyết định kết quả học tập của học sinh. Đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước, việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽcó thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ em trong khu vực".
Báo cáo đưa ra các bước cụ thể giúp cải thiện kết quả học tập cho các hệ thống giáo dục tụt hậu trong khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới, bắt đầu bằng việc đồng bộ thể chế để đảm bảo sự nhất quán và phù hợp giữa mục tiêu và trách nhiệm trên khắp hệ thống giáo dục.
Báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn và hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
Bênh cạnh đó, Báo cáo cho biết, các hệ thống giáo dục đứng đầu chi tiêu hiệu quả cho cơ sở hạ tầng trường học và giáo viên, có các quy trình tuyển dụng để đảm bảo thu hút được những ứng viên giỏi nhất cho công tác giảng dạy và đưa ra cơ chế lương thưởng xứng đáng cho các giáo viên có thành tích giảng dạy trên lớp.
Báo cáo cũng nhận thấy rằng nhiều hệ thống giáo dục trong khu vực chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục mầm non, kể cả cho người nghèo, và đã áp dụng viêc đánh giá kết quả học tập của học sinh vào chính sách giáo dục.