WB gợi ý 2 hướng đi giúp Việt Nam thoát khỏi nền sản xuất gia công

(ĐTCK) Tham gia vào các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là ý kiến được đúc rút từ hai báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). 
Việt Nam hiện chủ yếu tham gia vào hoạt động cuối đem lại giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu Việt Nam hiện chủ yếu tham gia vào hoạt động cuối đem lại giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu

Cần gói cải cách toàn diện

Hai báo cáo với tiêu đề Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới và Nghiên cứu về tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nghiên cứu của WB cho biết, những thành tựu trước đây của Việt Nam về năng lực cạnh tranh xuất khẩu hoàn toàn nhờ vào những cải thiện từ phía cung trong kết quả xuất khẩu, bao gồm tăng thâm dụng vốn thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo/chế biến.

Nền kinh tế vẫn bị giới hạn bởi cơ cấu địa lý về đối tác thương mại và nhóm sản phẩm. Xu hướng thuê ngoài và bán hàng trong các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) tập trung nhiều vào các đối tác thương mại khu vực…

Ông Charles Kunaka, Chuyên gia trưởng Khối Thương mại và Cạnh tranh WB cho rằng: “Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo ra việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất cuối cùng đem lại giá trị gia tăng thấp, trong đó liên kết trong nước còn yếu”.

Cũng theo ông Charles Kunaka, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc có thể tiếp tục phát triển làm nền tảng xuất khẩu cho các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyên sâu ở các chức năng gia công, lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện nay để đa dạng hóa và vươn lên tham gia vào các công đoạn giá trị tăng cao hơn trong chuỗi.

WB gợi ý 2 hướng đi giúp Việt Nam thoát khỏi nền sản xuất gia công ảnh 1

 Các chuyên gia trình bày tại Hội thảo công bố 2 báo cáo của WB về Việt Nam

“Tham vọng đó đòi hỏi phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và theo ngành dọc ở các ngành cụ thể. Các biện pháp không nên được triển khai riêng lẻ, mà cần phải có một nghị trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh”, ông Charles Kunaka khuyến nghị.

Bên cạnh đó, Chuyên gia trưởng của WB cho biết, khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Các đơn vị xuất khẩu đang phải chịu chi phí vận tải và hiệu quả logistics thấp, cần có vai trò của Chính phủ.

Đặc biệt, liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước còn yếu. Hiện có cơ hội ngắn hạn để phát triển nhà cung ứng trong nước với các yêu cầu nội địa hóa, nhưng lâu dài, chính sách cần được cải thiện mạnh mẽ.

4 trụ cột tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp

Khảo sát 28 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bà Asya Akhlaque, quyền Giám đốc Vụ Đông Á-Thái Bình Dương, Khối Thương mại và Cạnh tranh WB cho biết, những phát hiện chính là chính sách khuyến khích hành vi gắn với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có tính chung chung và không hướng đến các SME.

Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất cuối cùng đem lại giá trị gia tăng thấp, trong đó liên kết trong nước còn yếu   

Điều này dẫn đến rủi ro không đạt được thay đổi hành vi mong muốn do cơ cấu chính sách chung chung có thể không đáp ứng được nhu cầu và khả năng của SME.

“Sử dụng cách tiếp cận vòng đời, các chương trình hỗ trợ SME còn thiếu giai đoạn khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu các chương trình hỗ trợ liên quan đến tiếp cận tài chính và tiếp cận thị trường. Các vấn đề giám sát và đánh giá tại nhiều chương trình hoặc thiếu mục tiêu, không có mục tiêu cụ thể, có mục tiêu không đo lường được, ngân sách không phù hợp với đầu ra hoặc thiếu tiêu chí để xác định mục tiêu”, bà Asya Akhlaque chia sẻ.

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, lộ trình được WB nghiên cứu đề xuất các trụ cột bao gồm 4 trụ cột.

Trụ cột 1 là thành lập Ủy ban liên ngành về công nghiệp hỗ trợ và cạnh tranh với sự tham gia của cả khu vực công và tư; cải thiện môi trường pháp lý kinh doanh; cơ quan công nghiệp hỗ trợ quản lý Chương trình phát triển nhà cung cấp.

Trụ cột thứ hai là kết nối các tập đoàn đa quốc gia và các công ty nội địa.

Trụ cột thứ ba là thiết lập một chương trình phát triển nhà cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước với dịch vụ tư vấn và nâng cấp thiết bị.

Trụ cột thứ tư là tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy đào tạo kỹ năng theo nhu cầu, dịch vụ quản lý, chất lượng/tiêu chuẩn, cũng như cải thiện hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển thông qua sử dụng các biện pháp khuyến khích hành vi; thúc đẩy các phương thức đào tạo và tư vấn thay thế, phát triển các nhóm nghiên cứu và phát triển thoog qua hợp tác công-tư với các trường đại học.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam có thể vươn lên và nâng cao giá trị gia tăng của mình bằng những cải cách và sáng kiến chính sách ở những lĩnh vực như giao thông, dịch vụ, thủ tục biên giới và hội nhập khu vực”.

Thực tế, những bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đã chỉ ra những điểm chung để có được chương trình kết nối tốt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đó là tinh thần chủ động và cam kết cao ở cấp chính sách, được bổ sung bằng cơ chế thể chế và quản trị tốt.

Bên cạnh đó là chiến lược được xây dựng dựa trên bằng chứng để thúc đẩy các chương trình kết nối, cơ sở dữ liệu tốt về các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối doanh nghiệp - với - doanh nghiệp, các chương trình phát triển nhà cung cấp dựa trên nhu cầu.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục