WB: Du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển

(ĐTCK) Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đà tăng trưởng của Việt Nam có chững lại kể từ đầu năm nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định. 
WB: Du lịch Việt Nam đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển

Báo cáo bán thường niên của WB về tình hình kinh tế Việt Nam vừa công bố cho biết, ngành dịch vụ đạt kết quả tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước và đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn khoảng 58,4% năm 2018 và dự kiến 58,3% trong năm 2019.

Tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp.

Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá theo hướng tích cực mặc dù đã xuất hiện các dấu hiệu giảm sút mang tính chu kỳ. Tăng trưởng GDP sau khi đạt mức cao 7,1% vào năm 2018, dự báo sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019 do sức cầu bên ngoài yếu đi, chính sách tài khóa và chính sách tín dụng tiếp tục được thắt chặt. Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP theo giá so sánh được dự báo vẫn đứng vững, chỉ giảm nhẹ xuống 6,5% trong các năm 2020 và 2021. 

Với bối cảnh lạm phát cơ bản được dự báo ở mức thấp, các điều chỉnh giá do nhà nước quản lý (điện nước, y tế, giáo dục) cũng như tác động của dịch tả lợn châu Phi tới giá lương thực phẩm ước tính sẽ không làm tăng chỉ số giá tiêu dùng chung vượt quá mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

Thặng dư tài khoản vãng lai so với GDP dự kiến sẽ giảm do sức cầu bên ngoài giảm mạnh. Tiếp tục chính sách tài khóa thận trọng dự kiến sẽ giúp bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm dần trong giai đoạn dự báo. 

Tuy nhiên, WB cho rằng, rủi ro tăng lên gần đây do căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang với tình trạng bất định gia tăng trên toàn cầu, và tiếp tục nghiêng theo hướng suy giảm. Căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục leo thang, tình hình địa chính trị trong khu vực và trên toàn cầu ngày càng bất định, điều kiện huy động vốn trên toàn cầu bị thắt lại có thể gây xáo trộn về thương mại và tài chính dẫn đến kết quả tăng trưởng giảm xuống.

Những rủi ro bên ngoài nêu trên kết hợp với nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm cả khả năng chậm trễ trong củng cố tình hình tài khóa, cải cách DNNN và khu vực ngân hàng, có thể ảnh hưởng xấu đến cảm nhận của nhà đầu tư và triển vọng tăng trưởng. 

Ông Ousmane Dion, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dân đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các Hiệp định khu vực và đa phương.

Theo WB, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp các rủi ro tiếp tục gia tăng dẫn tới nguy cơ suy giảm các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế khôi mục mạnh mẽ hai năm vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn như kiềm chế tăng trưởng tín dụng và củng cố tài khóa nhằm tạo dựng thêm các khoảng đệm chính sách cần thiết.

Tuy nhiên, với dấu hiệu chững lại thậm chí giảm sút các hoạt động kinh tế, Việt Nam cũng nên cân nhắc về các chính sách vĩ mô nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kể cả quan điểm chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế. 

Ngoài ra, tiếp tục cải cách cơ cấu bao gồm đổi mới khuôn khổ quản lý, điều hành, cải cách doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng vẫn là hết sức quan quan trọng nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong ngắn hạn cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.

Các cấp có thẩm quyền cần tập trung ổn định nguồn thu và nâng cao hiệu suất chi tiêu để hỗ trợ bền vững tài khóa. Để xử lý tình trạng bất định và căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam đồng thời tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại qua các Hiệp định song phương và khu vực như EVFTA và CPTPP vừa được thông qua.

Một chuyên đề đặc biệt của ấn phẩm lần này tập trung vào tình hình phát triển của ngành du lịch Việt Nam - là ngành xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của quốc gia, đóng góp đến 8% GDP trong năm 2017. Chuyên đề nhận định tăng trưởng mạnh mẽ khiến cho ngành đã chạm đến điểm bùng phát trong phát triển, nghĩa là nếu tiếp tục tăng trưởng mà không được quản lý tốt, điều đó có thể dẫn đến những tác động bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường

Ông Brian Mtonya, chuyên gia kinh tế của WB khuyến nghị 6 biện pháp nhằm đảo bảo bền vững dài hạn cho ngành du lịch. Cụ thể, tăng cường phối hợp quy hoạch điểm du lịch và phát triển sản phẩm; đa dạng hoá sản phẩm du lịch và thị trường nguồn khách; phát triển kỹ năng của lực lượng lao động ngành du lịch; tăng cường kết nối chuỗi giá trị du lịch ở địa phương; cải thiện về quản lý luồng khách; nâng cao chất lượng và năng lực hạ tầng điểm du lịch và bảo vệ các tài sản văn hoá và môi trường.

Ông Ousmane Dion nhấn mạnh: “Phát triển ngành du lịch nhưng không hy sinh môi trường văn hoá, theo đó, chúng ta phải bảo vệ các tài sản môi trường, tài sản văn hoá. Đây là điều rất quan trọng. Cho dù có việc gì xảy ra, Việt Nam phải có chính sách phù hợp để đảm bảo du lịch, đặc biệt là du lịch đại chúng không nên phát triển gây tổn hại đến việc bảo tồn văn hoá. Chúng ta đã được chứng kiến những câu chuyện liên quan đến vấn đề này trên thế giới và rút ra bài học cho mình”.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục