Thương vụ mua lại Fortress nằm trong chiến lược đẩy mạnh hoạt động thu mua doanh nghiệp trên toàn cầu của SoftBank gần đây. Theo đó, SoftBank đồng ý trả 8,08 USD/cổ phiếu cho Fortress, cao hơn 39% so với giá đóng cửa ngày 13/2 của công ty.
Theo tầm nhìn của CEO Masayoshi Son, Fortress hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu cao hơn mức giá 3,3 tỷ USD hiện tại. Thêm vào đó, ông Son cho rằng, dưới sự dẫn dắt của ba nhà sáng lập là Pete Briger, Wes Edens và Nardone; Fortress có thể trở thành “cơ quan đầu não” cho SoftBank, giúp SoftBank theo dõi và phân tích các cơ hội đầu tư trên thế giới.
Fortress được thành lập năm 1998 và tiến hành IPO năm 2007, khiến cho ba nhà sáng lập trở thành tỷ phú. Hiện Fortress quản lý 70,1 tỷ USD tài sản tín dụng, nắm giữ cổ phần tư nhân, các quỹ phòng hộ và các khoản đầu tư có thu nhập cố định.
Fortress cũng đầu tư vào các mảng khác như: một công ty đường sắt ở Florida, các khách sạn ở vùng nông thôn Nhật Bản,một công ty khởi nghiệp về bitcoin và hãng phim với những tác phẩm đã đoạt giải Oscar như “Birdman”, “12 năm nô lệ”.
“Thành tích xuất sắc của Fortress đã tự nói lên tất cả, và chúng tôi mốn được hưởng lợi từ nền tảng lãnh đạo, chuyên môn sâu rộng cũng như mảng đầu tư đẳng cấp thế giới của công ty này”, Masayoshi Son nói.
“Đối với SoftBank, cơ hội này sẽ ngay lập tức mở rộng quy mô của Tập đoàn và cùng với nền tảng Quỹ Tầm nhìn SoftBank sắp được thành lập đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi SoftBank, thực hiện đầu tư một cách bài bản để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn bền vững”.
Đồng Chủ tịch Fortress, Pete Briger và Wes Edens, đánh giá cao tầm nhìn của ông Masayoshi Son và tin rằng thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các cổ đông.
CEO SoftBank đã cam kết đầu tư 50 tỷ USD vào Mỹ sau khi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump
Khi còn là sinh viên trường Đại học California, chàng thanh niên trẻ Masayoshi Son đã biết cách khiến cả thế giới phải thán phục. 19 tuổi, không có một đồng vốn, chẳng có chút kiến thức nào về công nghệ, nhưngMasayoshi Son khi đó đã tập hợp được một nhóm các chuyên gia, để rồi phát minh thành công một chiếc máy dịch thuật biết nói và bán lại cho tập đoàn Sharp với giá gần 1 triệu USD.
Từ số vốn ban đầu này, Masayoshi Son thành lập công ty tiền thân của SoftBank hiện nay, bắt đầu kinh doanh với việc phân phối phần mềm và máy tính cá nhân, sau đó chuyển sang mảng dịch vụ di động và trở thành hãng đầu tiên của Nhật phân phối iPhone.
Mua cổ phần tại Sprint giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 trên thế giới
Năm 2012, Masayoshi Son có một quyết định vô cùng táo bạo là thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 22 tỷ USD. Thương vụ này đã giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon.Masayoshi Son thường bày tỏ những tham vọng đưa Sprint vượt lên hai gã khổng lồ viễn thông này.
Động thái mua lại Fortress vừa qua cũng đã làm nổi bật những tham vọng to lớn của Masayoshi Son. Ông trùm 59 tuổi, một trong những người giàu nhất Nhật Bản, đã và đang tìm cách cải tổ ngành công nghiệp viễn thông của Mỹ, và gần đây đã bắt tay với Tổng thống Donald Trump qua việc tuyên bố sẽ đầu tư 50 tỷ USD và đồng thời đem 50.000 việc làm đến Mỹ.
“Uber đang định hình lại ngành vận tải hiện nay, Airbnb cũng làm điều tương tự với ngành công nghiệp khách sạn. Các bạn có thể tin rằng chuyện đó sẽ xảy ra lần lượt ở từng ngành công nghiệp riêng lẻ. Sẽ có một “vụ nổ big bang” và đây là thời cơ qua thuận lợi để vượt lên”, Masayoshi Son nói.