Thứ Hai, thị trường dồn sự chú ý vào thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng sẽ thông qua gói ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD, trong đó bao gồm đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 26,5% (thấp hơn mức 28% mà nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất).
Về dữ liệu kinh tế, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đạt 171 tỷ USD trong tháng 8, thấp hơn 15% so với cùng kỳ. Trong 11 tháng đầu năm tài chính 2021, tổng thâm hụt đã thu hẹp còn 2.711 tỷ USD, giảm 10% so với mức 3.007 nghìn tỷ USD của cùng kỳ năm trước do thu ngân sách được cải thiện.
Mặt khác, một cuộc khảo sát hàng tháng do Fed thực hiện cho thấy, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8 ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2013, cũng là thời điểm Fed bắt đầu khảo sát dữ liệu trên.
Trong khi đó, giới đầu tư chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được Bộ Lao động Mỹ báo cáo vào thứ Ba (14/9), một tín hiệu quan trọng có thể làm sáng tỏ thêm về tình trạng lạm phát hiện tại và liệu đó có phải là lạm phát tạm thời như Fed khẳng định hay không.
Các chỉ số quan trọng khác cũng sẽ được công bố trong tuần này bao gồm doanh số bán lẻ và chỉ số tâm lý người tiêu dùng, những dữ liệu có thể cho thấy biến thể gây nên làn sóng Covid-19 mới nhất có tác động như thế nào đến nhu cầu bùng nổ của người Mỹ sau khi kinh tế mở cửa trở lại. Mỹ ghi nhận trung bình 145.724 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày trong tuần trước, giảm 7% so với hai tuần trước đó.
Trong khi Dow Jones và S&P 500 đóng cửa tăng điểm, Nasdaq Composite vẫn chưa thể tìm lại đà tăng, tuy nhiên mức giảm đã thu hẹp. Diễn biến tương tự cũng được nhìn thấy ở Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures Trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Dow Jones tăng 261,91 điểm (+0,76%), lên 34.869,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,15 điểm (+0,23%), lên 4.468,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,91 điểm (-0,807%), xuống 15.105,58 điểm.
Chứng khoán châu Âu tìm lại được sắc xanh trong phiên ngày thứ Hai sau một tuần tồi tệ. Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và tiện ích tăng điểm với kỳ vọng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của khu vực đồng tiền chung euro sẽ vượt qua rủi ro từ suy thoái toàn cầu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECV) tuần trước đã nâng cả dự báo tăng trưởng và lạm phát cho năm nay khi nền kinh tế khu vực đồng euro phục hồi nhanh hơn dự kiến từ cú sốc đại dịch.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,23 điểm (+0,56%), lên 7.068,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 91,61 điểm (+0,59%), lên 15.701,42 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,16 điểm (+0,20%), lên 6.676,93 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm từ sớm, nhưng đã bật lên ở những phút cuối nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng lạc quan vào Thủ tướng mới và số ca nhiễm mới Covid-19 giảm đáng kể.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy các khoản cho vay mới tăng thấp hơn dự kiến trong tháng trước.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, bị kéo lùi bởi cổ phiếu công nghệ sau một loạt động thái cứng rắn mới của Bắc Kinh nhằm vào lĩnh vực này.
Chứng khoán Hàn Quốc gần như đi ngang khi lo ngại ảnh hưởng lạm phát từ Mỹ được bù đắp bằng động lực mua ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.
Kết thúc phiên 13/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 65,53 điểm (+0,22%), lên 30.447,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,26 điểm (+0,33%), lên 3.715,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 392,10 điểm (-1,50%), xuống 25.813,81 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 2,10 điểm (+0,07%), lên 3.127,86 điểm.
Giá vàng đêm qua quay đầu tăng bất chấp đồng USD mạnh lên khi kim loại quý này vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư lớn. Một số quỹ đầu cơ đã quay trở lại thị trường vàng. Vàng cũng được hỗ trợ sau thông tin CHDCND Triều Tiên thử tên lửa khiến căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Kết thúc phiên 13/9, giá vàng giao ngay tăng 6,70 USD (+0,37%), lên 1.793,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 2,40 USD (+0,13%), lên 1.792,30 USD/ounce.
Giá dầu đêm qua tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần do sản lượng bờ Vịnh của Mỹ vẫn phục hồi một cách chậm chạp sau hai tuần cơn bão Ida đổ bộ. Trong khi đó, một cơn bão đang tiến vào đất liền và có thể ảnh hưởng đến sản lượng ở Texas trong tuần này.
"Tác động của cơn bão Ida kéo dài hơn thị trường dự kiến và một số nhà máy vẫn đóng cửa trong tuần này”, Rystad Energy cho biết.
Kết thúc phiên 13/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,73 USD (+1,1%), lên 70,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,69 USD (+0,8%), lên 73,51 USD/thùng.