Theo kế hoạch, ngày mai (16/12), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán; HVN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Nền tảng phục hồi
Vì những lý do khách quan và chủ quan, trong đó có việc chậm hoàn thành Báo cáo tài chính năm 2022 đã khiến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines được tổ chức khi chỉ còn đúng 2 tuần là khép lại năm Dương lịch 2023.
Mặc dầu vậy, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng bởi không chỉ cung cấp những thông tin quan trọng về “sức khoẻ” doanh nghiệp, kết quả tái cơ cấu trong 2 năm (2022 – 2023); lộ trình khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.
Được biết, các nội dung chính được HĐQT Vietnam Airlines xin ý kiến các cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 gồm: Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo của Ban kiểm soát về kết quả kinh doanh của Công ty, kết quả hoạt động của HĐQT, Tổng giám đốc…
Theo đánh giá của Vietnam Airlines, trong năm 2022, thị trường vận tải hàng không nội địa đã phục hồi khá mạnh mẽ và ổn định về qui mô sản lượng, tuy nhiên mức giá vé bình quân vẫn chưa trở lại như thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019).
Thị trường vận tải hàng không quốc tế mới chỉ được mở cửa trở lại chính thức từ 15/3 và phục hồi còn chậm đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, thị trường lớn Trung Quốc cơ bản vẫn đóng băng do chính sách “zero – COVID”, hoạt động vận tải hàng không quốc tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Cùng với đó, các yếu tố vĩ mô diễn biến bất lợi ngoài dự đoán như chi phí nhiên liệu bay tăng cao, lãi suất và tỷ giá diễn biến bất lợi ảnh hưởng rất lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh trong năm.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhưng với các nỗ lực tự thân và các chính sách hỗ trợ, giảm thuế phí của Nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines đã giảm lỗ so với kế hoạch báo cáo Đại hội đồng cổ đông: lỗ trước thuế của công ty mẹ là -8.841 tỷ đồng (thấp hơn 494 tỷ đồng so với kế hoạch), lỗ hợp nhất trước thuế là -10.945 tỷ đồng (thấp hơn 282 tỷ đồng so với kế hoạch).
Tổng các khoản doanh thu, thu nhập hợp nhất của Vietnam Airlines trong năm 2022 (bao gồm phần lãi trong công ty liên kết) đạt 71.775 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 là 70.410 tỷ đồng, tăng 152,3% so với năm 2021 và chiếm khoảng 98% tổng doanh thu.
Mặc dù kết quả lỗ vẫn ở mức lớn nhưng với việc cải thiện dần về chỉ tiêu lợi nhuận, tăng trưởng mạnh về doanh thu, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 vẫn tạo được đà bứt phá cho Vietnam Airlines trong những năm tới.
Theo tờ trình của HĐQT Vietnam Airlines, trong năm 2023, Vietnam Airlines dự kiến đạt tổng doanh thu hợp nhất là 91.658 tỷ đồng, bằng 127,7% năm 2022, trong đó Công ty mẹ đạt 69.334 tỷ đồng, bằng 138 % năm 2022; lỗ hợp nhất trước thuế là -5562 tỷ đồng, giảm lỗ gần 50 % so với năm 2022, trong đó Công ty mẹ - 4870 tỷ đồng, giảm lỗ 45% so với năm 2022.
Đây là những chỉ tiêu kinh doanh có tính khả thi cao, đặc biệt là về chỉ tiêu lợi nhuận bởi trong 9 tháng đầu năm 2023, kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ.
Trong quý III/2023, Vietnam Airlines đạt 23.569 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 11% so với quý III/2022 đưa luỹ kế doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 9 tháng đầu năm của toàn Tổng công ty lên 68.089 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2022. Xét về tăng trưởng, đây là quý thứ 8 liên tiếp doanh thu của Vietnam Airlines tăng so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch cũng như những nỗ lực nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.
Quyết liệt tái cơ cấu
Trên thực tế, kết quả kinh doanh và đà phục hồi của Vietnam Airlines trong năm 2023 có thể tốt hơn nếu các hãng bay Việt Nam không gặp nhiều nhiễu động thị trường, đặc biệt là suy thoái kinh tế và suy giảm cầu tại các thị trường trọng điểm.
Cụ thể, thị trường quốc tế phục hồi chưa như kỳ vọng, ước cả năm 2023 chỉ đạt 73,6% so 2019, đặc biệt là các thị trường khu vực Đông Bắc Á, trong đó thị trường đặc biệt quan trọng như Trung Quốc (chiếm 30% tổng khách quốc tế đến Việt Nam) mới chỉ phục hồi 28% so với 2019.
Việc các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Hàn Quốc thả nổi tỷ giá khiến các đồng tiền nước này mất giá nghiêm trọng so với USD, dẫn tới sụt giảm nhu cầu đi lại ra nước ngoài của người dân các nước này; hay như thị trường Nga hiện nay vẫn chưa khôi phục được đường bay thẳng do lệnh cấm vận của Mỹ và Châu Âu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục duy trì mức cao là một khó khăn rất lớn đối với các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines. Giá nhiên liệu bay bình quân năm 2023 neo ở mức trên 105 USD làm tăng đáng kể chi phí các hãng.
Đối với Vietnam Airlines, chi phí nhiên liệu tăng do giá tăng năm 2023 so 2019 lên tới trên 5.900 tỷ. Tình trạng thiếu nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho các chi phí khác như thuê máy bay, sửa chữa bảo dưỡng, thuê động cơ, phụ tùng vật tư, chi phí dịch vụ tại các sân bay … tăng cao. Lãi suất USD duy trì ở mức cao làm tăng chi phí tài chính (chi phí lãi vay, chi phí các khoản giãn hoãn thanh toán gốc USD như chi phí thuê máy bay…).
Tỷ giá các đồng ngoại tệ chính biến động theo xu hướng bất lợi: tỷ giá USD/VND tăng cao trong khi có tới trên 60% chi phí của Vietnam Airlines bằng gốc USD khiến chi phí tăng cao. Ngược lại, các ngoại tệ là nguồn thu quan trọng (JPY, KRW, v.v) lại mất giá nghiêm trọng khiến doanh thu của hãng qui đổi sang VND và USD bị giảm mạnh.
Mặc dầu vậy, với kết quả sản xuất kinh doanh như trên và sự cải thiện của dòng tiền thu bán trước đồng thời được các ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng tích cực, Tổng công ty đã có thể cơ bản cân đối dòng tiền bảo đảm cho hoạt động SXKD trong năm 2023 và thanh toán một phần khoản nợ quá hạn theo cam kết với các chủ nợ để giảm dần nợ quá hạn phát sinh trong giai đoạn bị ảnh hưởng của Covid 19.
Tổng công ty sẽ tiếp tục quản lý điều hành dòng tiền theo phương án thận trọng, quản lý chặt các khoản chi, tiếp tục sử dụng linh hoạt giải pháp vay ngắn hạn và đàm phán giãn hoãn thanh toán trong trường hợp cần thiết để đảm bảo duy trì thanh khoản
Tại Đề án tái cơ cấu 2021-2025, giải pháp thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp năm 2023-2024 (thoái vốn tại TCS và Skypec) là các giải pháp trọng yếu để bổ sung dòng tiền đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo hoàn trả các khoản nợ nhà cung cấp và nợ vay theo lộ trình đã cam kết (bao gồm cả khoản vay tái cấp vốn sẽ đến hạn hoàn trả trong năm 2024).
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, bên cạnh những nội dung kể trên hiện hãng đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án tái cơ cấu để phục hồi năng lực tài chính và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch và cần thời gian nhiều năm để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do Covid-19 gây ra.
Tại Đề án tái cơ cấu và Đề án tổng thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch Covid 19, Vietnam Airlines đã xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm: Giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh vận tải hàng không, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất; tái cơ cấu tài sản và thoái vốn các công ty con và công ty liên kết để gia tăng thu nhập và dòng tiền; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Tất cả các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần,từng bước xóa lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.