Thực tế, nói lại những câu chuyện của chiến tranh, bao giờ cũng là cách để nói tiếp những câu chuyện trong hòa bình. Điều đó càng có ý nghĩa hơn ở thời điểm này, khi dường như đang có những nét tương đồng về bối cảnh lịch sử của mùa Xuân năm 1975 và mùa Xuân 2020.
45 năm trước, quân và dân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, để rồi có được Đại thắng mùa Xuân, mở ra kỷ nguyên mới nước Việt Nam: kỷ nguyên độc lập và thống nhất đất nước.
...hơn lúc nào hết, tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng cần được thắp sáng, để Việt Nam có được chiến thắng trước đại dịch toàn cầu.
45 năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, chúng ta lại một lần nữa phải đối mặt với một cuộc chiến mới, không phải với kẻ thù, với súng gươm, đạn bom trên tay, mà với Covid-19 - đại dịch đã tước đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân trên toàn cầu tính đến cuối tháng 4 năm nay và đang de dọa cuốn phăng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.
Covid-19 đang làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của loài người; hệ lụy của nó có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009...
Có thể không khốc liệt, không đầy máu, không đầy nước mắt như 45 năm trước đây và thực sự sẽ rất khập khiễng khi so sánh, nhưng rõ ràng, cuộc chiến với “giặc” Covid-19 cũng đầy cam go, thử thách. Vì thế, hơn lúc nào hết, tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng cần được thắp sáng, để Việt Nam có được chiến thắng trước đại dịch toàn cầu.
45 năm trước, tình yêu nước, tinh thần quả cảm, khát vọng thống nhất non sông, đất nước đã hun đúc trong chúng ta một sức mạnh nội sinh.
Khi đại dịch toàn cầu đặt đất nước trước những thử thách mới, một lần nữa, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của ý chí Việt.
Có sức mạnh ấy, biết bao chàng trai, cô gái đã rời những miền quê yêu dấu để bước chân vào chiến trường đầy bom đạn, khói lửa, hy sinh.
Có sức mạnh ấy, biết bao thành phố, làng mạc dù bị tàn phá bởi đạn bom, nhưng vẫn dành chỗ để che chở con người, để sản xuất ra lúa gạo, ngô khoai nuôi quân.
Có sức mạnh ấy, mới có những hậu phương vững mạnh để cùng chung sức, đồng lòng với tiền tuyến, cùng đấu tranh, cùng chiến đấu.
Có sức mạnh ấy cùng tinh thần đoàn kết, chúng ta đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Cũng chính sức mạnh đó, sau này đã đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo sau chiến tranh trở thành một nước đang phát triển cho thu nhập trung bình như ngày hôm nay, sánh vai được với cường quốc năm châu.
Khi đại dịch toàn cầu đặt đất nước trước những thử thách mới, một lần nữa, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của ý chí Việt. Nhìn thấy những y bác sĩ tận tụy ngày đêm chống dịch. Nhìn thấy nhiều cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức cho cuộc chiến chống lại Covid-19. Nhìn thấy Chính phủ đã lao tâm, khổ tứ, đã quyết liệt như thế nào để thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, vừa nỗ lực duy trì phát triển kinh tế…
Nhờ quyết tâm cao, ý chí thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, nhờ sức mạnh ý chí Việt, mà Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19 trong khi nhiều nước trên toàn cầu như Mỹ, như châu Âu vẫn đang rất vất vả chống chọi. Nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đánh giá cao thành công của Việt Nam, bởi chúng ta có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, giống như khi xưa, thế giới đã ngưỡng mộ Việt Nam khi đã chiến thắng được các đế quốc sừng sỏ nhất.
Không chỉ chiến thắng dịch bệnh, qua cuộc chiến với Covid-19, tinh thần đoàn kết, niềm tin trong Đảng, trong dân được củng cố. Người dân tin Đảng, tin Chính phủ nhiều hơn. Điều này rất quan trọng, giúp một lần nữa nhân lên sức mạnh Việt. Sức mạnh này cần tiếp tục được nhân lên, bởi chúng ta tiếp tục có một cuộc “vượt sức” nữa.
Đó là cuộc vượt sức vô cùng quan trọng, để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, để tái thiết và phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu không tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc vượt sức này, thì hệ lụy là khôn lường cho cả giai đoạn phát triển đất nước về sau, ảnh hưởng tới cả mục tiêu thịnh vượng vào năm 2030 và 2045. Để làm được điều đó, một lần nữa cần hơn hết sự đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng.