Vượt khủng hoảng kiểu Nhật

Những ngày này đang là mùa báo cáo kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo, Nhật Bản.
Quang cảnh tại Ginza, khu mua sắm sầm uất ở Tokyo, Nhật. Quang cảnh tại Ginza, khu mua sắm sầm uất ở Tokyo, Nhật.

Chỉ riêng trong ngày 15/5 này đã có 434 công ty đại chúng ở đây công bố tình hình lỗ lãi trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 vừa rồi. Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu ở Nhật đã báo lỗ đậm.

 

Điển hình nhất là trường hợp Toyota, hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản và lớn thứ hai trên thế giới, đã thua lỗ đầu tiên sau 71 năm. Trong năm tài khóa vừa kết thúc vào tháng 3 này, Toyota lỗ 437 tỷ Yên, tương đương xấp xỉ 4,4 tỷ USD, so với mức lãi 1.710 tỷ Yên của năm tài khóa trước. Hitachi lỗ 787 tỷ Yên. Toshiba lỗ 343 tỷ Yên và nuôi kế hoạch huy động số vốn 500 tỷ Yên.

 

Theo hãng tin tài chính Nikkei của Nhật, dự báo sẽ có khoảng 30% trong số 3.820 công ty đại chúng của nước này sẽ báo lỗ trong năm tài khóa 2008. Tình hình đối với các doanh nghiệp Nhật u ám đến nỗi, tháng 4 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ cứu trợ những công ty gặp khó. Có nguồn tin cho hay, hãng sản xuất hàng điện tử Pioneer và hãng chip Elpida đang đề nghị Chính phủ Nhật hỗ trợ cho tổng số tiền 80 tỷ Yên.

 

Tuy nhiên, không phải công ty nào của Nhật cũng sẽ báo lỗ trong mùa kết quả kinh doanh này. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp của nước này đang ở thời kỳ ăn nên làm ra, một phần do cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng những mặt hàng có giá cả phải chăng. Chẳng hạn, doanh số của hãng sản xuất mì ăn liền Toyo Suisan Kaisha, hay hãng sản xuất đồ nội thất giá rẻ Nitori thời gian qua đều đã tăng vọt.

 

Trong năm 2008, lần đầu tiên doanh số tại những siêu thị bình dân của Nhật vượt doanh số của các trung tâm thương mại, cho thấy người Nhật đang có xu hướng dịch chuyển sang những mặt hàng bớt sành điệu hơn.

 

Tuy nhiên, có một lý do khác dẫn tới sự phất lên của một số công ty Nhật ở thời điểm này. Theo Giáo sư Yuko Kawamoto thuộc Đại học Waseda, ở những thị trường có mức độ cạnh tranh cao hơn, các công ty thường sáng tạo hơn ở những thời điểm kinh tế thuận lợi và khó khăn. Ở Nhật, doanh nghiệp và người tiêu dùng thường tận dụng những thời điểm kinh tế đi xuống để thử những dịch vụ và sản phẩm mới.

 

Trong “thập kỷ mất mát” của Nhật ở thập niên 1990, một số công ty đã phất lên nhờ tung ra những sản phẩm chất lượng cao với mức giá rẻ.

 

Hai hãng bán lẻ của Nhật lớn mạnh trong “thập kỷ mất mát” là Uniqlo và Muji đặc biệt hoạt động rất tốt trong lần suy thoái này. Công ty mẹ của chuỗi bán lẻ quần áo bình dân Uniqlo là Fast Retailing đạt mức tăng trưởng doanh số 19% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 6 liên tiếp. Công ty mẹ Ryohin Keikaku của Muji, chuỗi bán lẻ kinh doanh đa mặt hàng, từ chai nhựa tới nhà tiền chế, thì dự báo, doanh số sẽ tăng 3% trong năm nay.

 

Muji là từ viết tắt của cụm từ Mujirushi Ryohin, trong tiếng Nhật có nghĩa là “hàng hóa chất lượng nhưng không có thương hiệu”. Ở một quốc gia mà người tiêu dùng bị ám ảnh bởi thương hiệu như Nhật Bản, đây thực sự là một sự chuyển biến lớn. Ra đời từ thập niên 1990, ban đầu Muji là một thương hiệu của chuỗi siêu thị Seiyu, nhưng sau đó đã nhanh chóng phát triển và thoát khỏi cái bóng của Seiyu.

 

Nổi tiếng với phong cách thiết kế tối giản và giá cả phù hợp của sản phẩm, Muji hiện có khoảng 350 cửa hàng tại Nhật, cộng với 100 cửa hàng ở nước ngoài chiếm 10% tổng doanh thu của cả chuỗi. Hãng dự kiến sẽ mở rộng số cửa hàng ở thị trường nước ngoài trong thời gian 2 năm tới.

 

Tương tự nhu Muji, Uniqlo ra đời từ thập niên 1980 nhưng thực sự phát triển trong thời kỳ “thập kỷ mất mát”. Vào thời đó, các cửa hàng thời trang ở Nhật có thể chia làm hai dạng, hoặc giá cực đắt, hoặc chất lượng cực tồi. Những cửa hàng ở cấp độ giữa hầu như không có.

 

Chiến lược của Uniqlo đã tập trung vào hai điểm chính. Thứ nhất, hãng tập trung vào những sản phẩm thời trang cơ bản như áo thun, quần jeans… Đây là những trang phục luôn có phong cách, nhưng không phải lúc nào cũng chạy theo xu hướng. Thứ hai, hãng sản xuất phần lớn các mặt hàng này ở Trung Quốc để có mức giá rẻ, bất chấp thực tế là người Nhật thích hàng sản xuất nội địa hơn.

 

Ông Tadashi Yanai, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Uniqlo, muốn đưa công ty này phát triển thành hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Với doanh số năm 2008 là 586 tỷ USD, lợi nhuận cao, 770 cửa hàng ở Nhật và 70 cửa hàng ở nước ngoài, tham vọng trên của Uniqlo là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2009 này, tạp chí Forbes của Mỹ đã xếp hạng ông Yanai ở vị trí người giàu nhất nước Nhật, với tài sản 6,1 tỷ USD.

 

Khi cuộc khủng hoảng này kết thúc, có lẽ ông còn giàu hơn thế.


VNE (Economist)

Tin cùng chuyên mục