Vướng mắc về thuế, đừng gỡ khó... trên giấy

(ĐTCK) Nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình tuân thủ nghĩa vụ thuế, hải quan, đã được các DN đặt ra cho lãnh đạo Bộ Tài chính, với mong muốn sớm được tháo gỡ cả về cơ chế, lẫn tổ chức áp dụng trên thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở gỡ tắc... trên giấy.
Vướng mắc về thuế, đừng gỡ khó... trên giấy

Tốn thời gian “làm việc” với cơ quan thuế

Nhiều bất cập về cơ chế thuế, hải quan đang được tháo gỡ, tuy nhiên, như vậy là chưa đủ, bởi khâu tổ chức triển khai cần khẩn trương và thực chất, để sớm gỡ khó cho DN. Đây là vấn đề được nhiều DN đưa ra tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 30/10.

Theo bà Dương Thị Thanh Hòa, Công ty TNHH ABB Việt Nam, thủ tục hành chính thuế đã có những bước cải cách rõ nét thông qua việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 119/2014 để sửa đổi, bổ sung 7 thông tư, nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính về thuế, cũng như mới đây là ban hành Thông tư 151/2014 hướng dẫn Nghị định 91/2014/NĐ-CP về sửa đổi một số điều tại các nghị định quy định về thuế. Các bước cải cách này chủ yếu là nhằm giảm thời gian kê khai, nộp thuế cho DN. Trong khi việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của DN trên thực tế không chỉ có những khâu này, mà còn tốn nhiều thời gian làm việc trực tiếp với cơ quan thuế, đề nghị Bộ Tài chính có hướng giải quyết vấn đề này.

Không giải đáp trực diện vào đề xuất trên của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, nhằm cắt giảm mạnh số giờ nộp thuế cho DN như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang thường xuyên chỉ đạo ngành thuế, hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như thời gian kê khai, nộp thuế cho DN.

“Một DN ở Đà Nẵng phản ánh, họ chưa dám mong đợi được hưởng những ích lợi do việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan mang lại, mà điều họ mong mỏi trước mắt là khâu tổ chức triển khai các chính sách thuế sao cho minh bạch, thuận tiện, để giảm thiểu rủi ro vi phạm trong quá trình chấp hành nghĩa vụ thuế…”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nói và kiến nghị, do việc ban hành các chính sách mới nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đang diễn ra trên phạm vi rộng, nên Bộ Tài chính cần đảm bảo việc sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi mang tính hệ thống, đồng bộ, tránh chạy theo xử lý các bất cập phát sinh. Nếu không làm như vậy sẽ khiến cho ngay cả những chuyên gia, DN chuyên về tư vấn thuế còn không kịp thời cập nhật những quy định mới, huống gì DN. 

Gặp khó với khai thuế qua mạng

Đại diện cho tiếng nói của các DN ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh, việc kê khai nộp thuế qua mạng đang khiến DN gặp khó, khi có những thời điểm hệ thống này gặp trục trặc. Rơi vào tình huống này, DN khó tiến hành kê khai thuế theo hình thức thủ công, vì không có quy định hướng dẫn cụ thể. Điều này dễ dẫn đến sự cảm tính của cán bộ hải quan trong việc hướng dẫn DN chuyển từ kê khai thuế điện tử sang thủ công và ngược lại, gây phiền hà cho DN. Việc gặp trục trặc này có thể khiến DN chậm kê khai, nộp thuế, nên đối mặt với nguy cơ bị phạt chậm nộp, trong khi đây không phải lỗi của DN…

Về hướng tháo gỡ bất cập trên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở quy định của Luật Hải quan sửa đổi, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng: khi hệ thống thuế điện tử trục trặc, thì trong khoảng thời gian nhất định, cơ quan hải quan có trách nhiệm tự xác định lỗi của hệ thống, đồng thời công bố rộng rãi để cho DN nắm bắt. Trên cơ sở đó, DN sẽ tạm thời tiến hành kê khai, nộp thuế theo hình thức thủ công.

Một quy định bất cập khác, theo phản ánh của Công ty TNHH Apatit Việt Nam, là DN phải nộp lệ phí tờ khai hải quan với mức 20.000 đồng/tờ khai qua ngân hàng, thay vì mua tem của hải quan như trước đây. Số tiền quá nhỏ này buộc DN phải nộp qua ngân hàng là rất bất tiện… Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải đáp, ngoài nộp qua ngân hàng, DN có thể nộp trực tiếp thông qua hình thức mua tem tại cơ quan hải quan… Tuy nhiên, đại diện DN khẳng định, quy định hiện hành không cho phép DN mua tem, mà buộc phải nộp qua ngân hàng!? Lãnh đạo Bộ Tài chính đã để ngỏ giải pháp xử lý bất cập này.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục