Vững vàng ra biển lớn

Đất nước vừa đi qua năm 2015 đầy ắp sự kiện và đang bước vào một mùa xuân mới, mùa xuân mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mới với những cơ hội, thách thức và hoài bão, khát vọng mới.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ngày đầu Xuân, âm hưởng của năm cũ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, 70 năm thành lập Nước, 40 năm Giải phóng miền Nam quy giang sơn về một mối, thành công của Đại hội Đảng các cấp… vẫn còn vang vọng cùng giai điệu lạc quan của một nền kinh tế biết vượt lên bão giông để tiến về phía trước.

Đất nước vào Xuân trong một không gian mới sau dấu ấn hội nhập sâu rộng được khắc đậm trong năm 2015. Tám năm sau gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng loạt hiệp định thương mại tư do (FTA) với các nước và khu vực đã được đàm phán, ký kết. FTA với EU, Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đưa con tàu kinh tế Việt Nam ra đại dương.

Từ nay, cánh cửa thị trường thế giới rộng mở với doanh nghiệp Việt Nam. 

Riêng FTA với Hàn Quốc có hiệu lực từ 20/12/2015, đã có tới 11.697 dòng thuế nhập khẩu vào Hàn Quốc được bãi bỏ (tính cả cam kết ASEAN – Hàn Quốc), tương đương khoảng 97% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc. TPP dự kiến được ký kết vào tháng 2 tới sẽ tạo ra bước ngoặt trong thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên hiện chiếm 40% GDP toàn thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hoá toàn cầu. AEC bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016, đang biến ASEAN thành một thị trường chung với mục tiêu tự do di chuyển hàng hoá, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn và lao động có kỹ năng.

Với các FTA đã được ký kết, gần như thị trường thế giới đang thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể tận dụng được cơ hội, khai thác được tiềm năng của thị trường bao la đang rộng  mở đó.

Ở chiều ngược lại, thị trường Việt Nam đang rộng mở với thế giới. Nhiều tập đoàn, công ty của các quốc gia thành viên FTA với Việt Nam đang rốt ráo chuẩn bị để thâm nhập một thị trường 93 triệu dân với sức mua liên tục tăng nhanh cùng đà tăng trưởng cao của một nền kinh tế mới nổi. Sức ép cạnh tranh đang dâng tận đỉnh cao trong lịch sử 30 năm Đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế.

Để thành công trong cuộc ganh đua nghiệt ngã đó, không còn con đường nào khác là phải nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

Ở cấp độ quốc gia, việc đổi mới thể chế theo hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi trọng hơn nữa cỗ máy doanh nghiệp tư nhân, đồng thời tạo bước đột phá mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách hành chính… đang là hiệu lệnh khẩn thiết đối với các ngành, các cấp.

Đất nước đang cần một chính phủ kiến tạo, chỉ đường và hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tận dụng cơ hội và biến thách thức thành cơ hội để đứng vững trên sân nhà và vững vàng ra biển lớn. Sự tiến bộ về năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam là thước đo năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Ở cấp độ doanh nghiệp, việc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, khẩn trương nhận diện cơ hội và thách thức của hội nhập để có giải pháp ứng phó hiệu quả, cả trước mắt và lâu dài, đang trở thành vấn đề bức bách, mang tính sống còn.

Khó khăn, thách thức từ hội nhập là rất lớn, song lịch sử phát triển của nhân loại cũng như thực tiễn 30 năm Đổi mới ở nước ta đã chứng minh rằng, để phát triển, theo kịp thời đại, không thể “bế quan, toả cảng”. Quá trình thực thi Hiệp định Thương mại song phương (BTA) Việt Nam - Hoa Kỳ và cam kết gia nhập WTO từng là những thách thức lớn và dù doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội, song nhìn tổng thể, cán cân “được – mất” vẫn nghiêng về phía Việt Nam. Minh chứng rõ nét nhất là FDI và xuất khẩu ngày càng trở thành cỗ máy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình Biển Đông và sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, việc đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh té đối ngoại càng trở nên cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Trong âm vang mùa xuân, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đang tới gần, tiếp theo sẽ là một Quốc hội mới, Chính phủ mới, kịch bản phát triển mới và quyết sách mới cho 5 năm tới. Hành trang quan trọng để bước vào năm 2016 là một nền kinh tế đang trên đà chuyển đổi, GDP tăng trưởng 6,68%, bóng đen lạm phát được đẩy lùi dưới mức 1%, xuất khẩu đạt mức kỷ lục gần 165 tỷ USD, FDI tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 21,5 tỷ USD, ngân sách không còn quá phụ thuộc vào dầu thô, nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng được đưa vào sử dụng, nhiều đạo luật mới mang tính đột phá đang đi vào cuộc sống… Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là “điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế châu Á”.

Bởi vậy, dù còn đó không ít thách thức và những hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển - hội nhập,  con tàu kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ vượt sóng đại dương để tiến về phía trước. Đó là dự cảm của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước vào thời khắc mùa Xuân mới đang về.

Nguyễn Anh Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục