Vùng trú ẩn không an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt, luôn được đánh giá cao cũng không nằm ngoài vòng xoáy bán tháo, giảm giá.
Tâm lý bi quan khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để rút tiền về. Tâm lý bi quan khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để rút tiền về.

Chung số phận với cổ phiếu đầu cơ

Mỗi lần nhìn tài khoản, nhà đầu tư Hồng Thu lại cảm thấy nóng ruột vì danh mục gồm cổ phiếu FRT và DGW của mình cứ giảm dần. Đây là hai cổ phiếu chị Thu nắm giữ từ giữa tháng 4/2022, sau khi “tháo” hàng loạt cổ phiếu “nóng”, với kỳ vọng “hai cổ phiếu tốt, thuộc nhóm ngành được giới phân tích cho rằng vẫn tăng trưởng tốt sẽ giúp tài khoản đi qua mùa bão này một cách an toàn”. Tuy nhiên, sau vài tháng nắm giữ, cổ phiếu FRT đã giảm tới gần 30% giá trị. Trong khi đó, danh mục đầu tư DGW cũng “bay” mất 24% giá trị.

Với việc chỉ số VN-Index rơi về mức 986,15 điểm (đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/10/2022), tương đương giảm hơn 35% kể từ đỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. Hàng loạt cổ phiếu lao dốc mạnh, bất kể là cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ, nhiều cổ phiếu đã giảm tới 70 - 80% so với đỉnh thiết lập vào đầu năm nay.

Chúng ta có những giai đoạn lạc quan thái quá như năm 2021, nhưng bây giờ đang là bi quan thái quá.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, thị trường đang ở trong trạng bi quan bao trùm, khi liên tục tiếp nhận nhiều thông tin tiêu cực như Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, tỷ giá USD/VND tăng mạnh khi Mỹ nâng lãi suất và các vụ bắt giam một số lãnh đạo doanh nghiệp… Trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư không quá quan tâm, vẫn cố gắng bảo toàn danh mục, nhưng đến giai đoạn thị trường đi xuống sâu, họ bắt đầu hoảng loạn và bán bất chấp cổ phiếu để rút tiền.

“Thị trường mong manh mà tin đồn thì quá nhiều, nhà đầu tư không còn đủ bình tĩnh để phân biệt cổ phiếu tốt hay đầu cơ. Chúng ta có những giai đoạn lạc quan thái quá như năm 2021, nhưng bây giờ đang là bi quan thái quá”, ông Khánh nói.

Bên cạnh tâm lý bi quan của nhà đầu tư, theo quan điểm ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, còn hai yếu tố khiến ngay cả những cổ phiếu tốt cũng không tránh được lực quét mạnh của thị trường.

Thứ nhất, lãi suất tiền gửi đang ở mức cao, nhà đầu tư có xu hướng bán cổ phiếu đem tiền gửi tiết kiệm.

Thứ hai, trong điều kiện bình thường, khi thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư cá nhân bán ra ồ ạt, các quỹ là yếu tố cân bằng nhờ vào việc mua cổ phiếu khi định giá hấp dẫn. Nhưng trong thời điểm lãi suất toàn cầu tăng, các nhà đầu tư rút vốn về, thị trường mất đi một yếu tố cân bằng. Đồng thời, giai đoạn cổ phiếu về giá tốt, doanh nghiệp thường mua lại cổ phiếu quỹ, nhưng khi tín dụng bị siết, doanh nghiệp phải rút tiền về để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo khả năng trả nợ, thị trường mất thêm một yếu tố ổn định.

“Thị trường đang thiếu vắng lực đỡ từ hai nguồn trên, khiến cổ phiếu tốt cũng bị bán tháo là điều dễ hiểu”, ông Bình khẳng định.

Thực tế, chỉ trong một tháng trở lại đây, cùng với đà giảm chung, PNJ và FPT giảm xấp xỉ 11%; DGC giảm tới gần 19%, NT2 giảm hơn 13%, FRT giảm 9,3%, BWE - cổ phiếu tiềm năng trong nhóm phòng thủ cũng mất hơn 17%...

Trong khi đó, DGC vừa ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp có lãi trên 1.000 tỷ đồng (với lợi nhuận sau thuế đạt 1.413,9 tỷ đồng, tăng 196% so với cùng kỳ năm trước); hay PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu thuần đạt 7.364 tỷ đồng, tăng 739,7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ 160 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. FPT cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu 30.975 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.665 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,1% và 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ hội hấp dẫn cho đầu tư dài hạn

Dưới góc nhìn của ông Vũ Duy Khánh, khi nhóm cổ phiếu tốt giảm sâu, giảm đồng đều cùng với cổ phiếu đầu cơ khác, cơ hội sẽ dần lộ ra. Giai đoạn này cũng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư đang cầm nhiều tiền mặt, nhận thấy triển vọng doanh nghiệp, có thể là doanh nghiệp có tỷ lệ cổ tức hấp dẫn.

Việc xem xét cổ phiếu tốt để đầu tư trong giai đoạn này, theo ông Khánh, ngoài những yếu tố như có nền tảng tốt, tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng trưởng ổn định, thì cần xem xét thêm tình hình nợ vay. Trong bối cảnh lãi suất tăng, tỷ giá tăng, doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay cao, đặc biệt là nợ vay bằng USD sẽ gặp nhiều bất lợi.

Ông Trương Quang Bình phân tích, các doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt sẽ không cần lo lắng về vấn đề vốn lưu động cho sản xuất - kinh doanh, ngay cả khi khả năng huy động vốn gặp nhiều khó khăn, bản thân doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền mặt có thể tự cứu mình, như FPT, FRT hay BWE...

Giữa việc rút tiền gửi tiết kiệm so với việc canh mua cổ phiếu cơ bản tốt ở vùng giá hấp dẫn, ông Bình khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên việc mua cổ phiếu. Bởi gửi tiết kiệm giai đoạn này lãi suất tốt nhất cũng chưa đầy 10%/năm, trong khi cổ phiếu tốt có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng khi vào sóng hồi sẽ cho tỷ suất lợi nhuận tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, đây là tầm nhìn từ 2 - 5 năm.

Lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, các cổ phiếu tốt thường có tốc độ giảm giá chậm hơn so với thị trường chung, so với các cổ phiếu đầu cơ. Và khi thị trường tạo đáy thì đây cũng là nhóm dẫn dắt thị trường đi lên.

Với việc chỉ số VN-Index đã giảm sâu, định giá của thị trường đang thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực. Theo nguồn tin của phóng viên, hiện nay, một số nhà đầu tư tổ chức Thái Lan đang theo dõi và chờ cơ hội giải ngân vào thị trường Việt Nam vì định giá P/E của VN-Index chỉ đang ở khoảng 9 lần - mức hấp dẫn trong khu vực, song tiềm năng còn lớn, nhờ môi trường vĩ mô ổn định và triển vọng thị trường chứng khoán được nâng hạng lên nhóm mới nổi trong vài năm tới.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục