Bối cảnh trong nước thuận lợi
Xin bắt đầu bằng chia sẻ của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội: “Chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác. Nhờ các chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh hiện nhanh chóng và hiệu quả, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Bởi vậy, nền kinh tế và thị trường bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi từ việc này. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có những lợi thế tốt hơn nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ khác trên thế giới”.
Đồng quan điểm, bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn châu Á - Thái Bình Dương tại JLL cho biết, nhiều nhà đầu tư mà JLL làm việc vẫn giữ sự bình tĩnh và lạc quan vào thị trường địa ốc Việt Nam. Các nhà đầu tư này cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn.
Trong nước, các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cho rằng nền tảng đầu tư và các yếu tố cơ bản quan trọng của Việt Nam vẫn tích cực. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, văn phòng và nhà ở.
“Tốc độ phản ứng nhanh chóng và xử lý hiệu quả Covid-19 của Nhà nước chắc chắn sẽ nâng Việt Nam lên một tầm cao mới”, một nhà đầu tư nhận xét.
Đồng quan điểm, anh Đức Huy, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, vàng, chứng khoán đều khó, do đó, anh vẫn lựa chọn bất động sản làm kênh giữ tiền. Và giai đoạn hiện tại, anh ưu tiên sản phẩm đất nền vùng ven có pháp lý tốt.
Trong khi đó, suốt thời gian diễn ra dịch, một số chủ đầu tư mô hình chung cư mini cho thuê cũng cho biết, đang ráo riết thuê/mua lại các tòa nhà để cải tạo, đợi khi dịch được khống chế có thể cho thuê.
Anh Quang Trung, giám đốc một công ty chuyên phát triển mô hình này cho biết: “Điểm thuận lợi là giai đoạn này dễ thuê, mua được các ngôi nhà với mức giá hợp lý hơn. Thành phố vẫn là nơi để mọi người lao động, tạo lập sự nghiệp, nên cơ bản chúng tôi không lo về việc trống phòng”.
Doanh nghiệp có "phao"
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hoạt động của nền kinh tế đã trở lại bình thường sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong đó, dù thuộc diện bổ sung nhưng các doanh nghiệp ngành địa ốc cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ của Chính phủ. Điển hình là Chỉ thị số 11/CT-TTg (gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng), Nghị định 41/2020/NĐ-CP (gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuế đất trong 5 tháng). Không quá khi nói rằng, các doanh nghiệp đã nhận được cái phao cứu sinh đúng lúc.
Những diễn biến tích cực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang khiến các thành viên thị trường tự tin hơn. Đặc biệt, nếu xét cả từ các bối cảnh chung là khu vực và thế giới, thì nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng đang có được nhiều triển vọng sớm phục hồi trở lại.
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các chính sách này sẽ phát huy tác dụng, đặc biệt với Nghị định 41/2020/NĐ-CP sẽ tốt đối với những doanh nghiệp đã và đang có các dự án được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, trước việc nhiều thành viên thị trường đề xuất xin tăng thời hạn giãn nộp thuế thêm 1 năm (thay vì 5 tháng như Nghị định), ông Khương cho rằng, điều này chỉ giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn, bởi lẽ khó khăn lớn nhất đang tồn tại là vấn đề thủ tục pháp lý.
“Theo cá nhân tôi nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, mặc dù vậy, cũng nên có những hình thức và biện pháp hợp lý để đánh giá một cách tổng quan cũng như chi tiết các kiến nghị do các doanh nghiệp đề xuất. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng Chính phủ sẽ xem xét đến việc là giải quyết một cách triệt để trong cái vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn”, ông Khương nhấn mạnh.
Nhu cầu vẫn lớn
Nhu cầu về nhà ở tại các đô thị vẫn còn lớn, đặc biệt trong ngắn hạn khi nhiều dự án bị tắc đầu ra. Và thực tế thị trường từ giữa năm 2018 và năm 2019 đều trong tình trạng “ăn đong” khi nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đã được triển khai từ giai đoạn trước.
Tuy nhiên thực tế cũng đang có sự lệch pha nhất định về cung - cầu. Theo ông Nguyễn Văn Đính. Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn lại thị trường năm 2019, không khó nhận ra lực cầu trong năm luôn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, những dự án có pháp lý đầy đủ, được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và được thực hiện bởi những nhà phát triển có uy tín, giá bán phù hợp. các dự án này có tỷ lệ hấp thụ thường đạt 70 - 80%. Đây là điểm sáng, điểm mạnh của thị trường bất động sản Việt Nam và là yếu tố tích cực vẫn thu hút các nhà đầu tư trong năm 2020.
Một cơ sở nữa khiến các chủ đầu tư thêm tự tin, đó là nhu cầu sở hữu bất động sản của người nước ngoài, các Việt kiều ở Việt Nam đang được dự báo ở mức cao, nhất là hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện trong và sau dịch.
“Nhu cầu về nhà ở với người nước ngoài là rất lớn, có dự án của chúng tôi bán vèo cái là hết quỹ căn 30% cho khách ngoại. Thậm chí tôi tin, nếu được nới room lên 60% tổng số căn vẫn có thể bán hết”, ông Kiểm nhấn mạnh.
Nhu cầu về nhà ở lớn, cả với khách hàng trong nước và người nước ngoài; ngành Du lịch liên tục tăng trưởng mạnh mẽ và được xác định là mũi nhọn kinh tế; tốc độ đô thị hóa cao; giá bất động sản lại còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực; Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, thị trường thông qua các chính sách vĩ mô… Tất cả những điều này đang là cơ sở, nền tảng cho sự phục hồi nhanh chóng của thị trường thời gian tới.